Kết quả chưa đạt được 1/3 kế hoạch năm 2015

Cụ thể, kế hoạch phát hành trái phiếu kho bạc nhà nước mới hoàn thành 20% kế hoạch quý 2 và chưa đạt được 1/3 kế hoạch cả năm 2015.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 6/2015, trên thị trường sơ cấp, HNX đã tổ chức 31 phiên đấu thầu, với tổng khối lượng thầu là 23.500 tỷ đồng, huy động được 8.281 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó, kho bạc nhà nước huy động được 7.381 tỷ đồng và ngân hàng chính sách xã hội huy động được 900 tỷ đồng. So với tháng 5/2015, khối lượng trái phiếu huy động trên thị trường sơ cấp tháng 6 tăng 93,3%. Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 3 năm nằm trong khoảng 5,97%-6,00%/năm, 5 năm là 5,45%-6,40%/năm, 10 năm là 6,50-6,60%, 15 năm là 7,60-7,64%/năm.

Trong khi đó, trên thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp tháng 6/2015, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu chính phủ theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 528 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 56,8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,35% so với tháng 5. Đáng chú ý là trong tháng 5/2015, trên thị trường giao dịch tín phiếu Kho bạc thứ cấp không có giao dịch nào được thực hiện.

Thống kê đến hết ngày 22/6/2015, kho bạc nhà nước đã huy động được 107.673,1 tỷ đồng. Trong đó, đấu thầu trái phiếu qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội: 72.465,1 tỷ đồng; Bảo hiểm xã hội mua 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 6,39%/năm; phát hành 1 tỷ đô la Mỹ (tương đương 21.458 tỷ đồng), kỳ hạn 10 năm, lãi suất 4,80%/năm; đấu thầu tín phiếu Kho bạc qua ngân hàng nhà nước đạt 8.750 tỷ đồng.

Đến hết ngày 22/6/2015, kho bạc nhà nước đã huy động được 107.673,1 tỷ đồng.

Trước thực tế đó, mới đây, kho bạc nhà nước đã phải tăng mạnh lãi suất huy động trái phiếu cho tất cả các kỳ hạn từ 5 đến 15 năm, trong nỗ lực giúp các phiên đấu thầu thành công hơn, nhưng rủi ro sẽ nằm ở phía trước.

Đâu là nguyên nhân?

Những nguyên nhân chủ yếu của việc suy giảm phát hành trái phiếu kho bạc nhà nước là do:

Thứ nhất, một số tổ chức tài chính nước ngoài vẫn tiếp tục bán trái phiếu chính phủ để đưa tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của mình về mức yêu cầu của Thông tư 36 (Thông tư 36, Điều 17 quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua đầu tư trái phiếu Chính phủ theo tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn là 15% đối với ngân hàng thương mại nhà nước, 35% với ngân hàng thương mại cổ phần, liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 15% với chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 5% với tổ chức tín dụng phi ngân hàng).

Thứ hai, việc chỉ phát hành trái phiếu kho bạc nhà nước kỳ hạn từ 5 năm trở lên kể từ năm 2015 làm cho nhà đầu tư khó dự đoán biến động lãi suất và thu xếp nguồn vốn cho kỳ hạn đầu tư dài hơn trước trong bối cảnh lạm phát năm nay thấp nhất trong 10 năm gần đây. Cụ thể, Nghị quyết 78/2014/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2015 quy định chỉ được phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Kỳ hạn này là dài so với khả năng cung ứng vốn, các nhà đầu tư trái phiếu chủ yếu là ngân hàng thương mại, tính chất nguồn vốn ngắn hạn. Thực trạng thị trường trái phiếu chính phủ hiện nay, gần 80% là các ngân hàng thương mại, do vậy, để bảo đảm an toàn thanh khoản, tỷ lệ được đầu tư vào các công cụ dài hạn từ 5 năm trở lên rất hạn chế.

Thứ ba, khu vực ngân hàng giảm cầu trái phiếu kho bạc nhà nước do tăng trưởng tín dụng tốt hơn, kỳ hạn trái phiếu dài không hấp dẫn khu vực này do các tổ chức tín dụng phải cân đối thanh khoản.

Thứ tư, nhà đầu tư đòi hỏi lãi suất cao hơn mức lãi suất chào bán của kho bạc nhà nước và nhu cầu thấp về trái phiếu kỳ hạn 10 năm (giá trị đặt thầu thấp hơn giá trị gọi thầu).

Dự báo một số động thái 6 tháng cuối năm 2015

Dự báo tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm tăng trưởng kinh tế ổn định. Để hoàn thành kế hoạch phát hành năm 2015, theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thời gian tới, việc tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là rất cần thiết.

Từ đầu năm 2015, kho bạc nhà nước đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, triển khai các đề án nhằm cải tiến công tác phát hành trái phiếu chính phủ, như: Thí điểm phát hành trái phiếu không thanh toán lãi định kỳ để đa dạng các sản phẩm trên thị trường; Hoán đổi kéo dài kỳ hạn trái phiếu để tái cấu trúc danh mục nợ trái phiếu chính phủ nhằm dãn áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước trong những năm tới; Phát hành trái phiếu long - short coupon (trái phiếu có kỳ trả lãi đầu tiên ngắn hơn hoặc dài hơn so với kỳ trả lãi chuẩn) nhằm lựa chọn thời điểm thanh toán gốc phù hợp với dòng tiền của ngân sách nhà nước; Tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu hàng hóa trên thị trường Trái phiếu Chính phủ (đến năm 2015, về cơ bản không còn mã trái phiếu nhỏ lẻ có quy mô niêm yết nhỏ hơn 2.000 tỷ đồng). Thị trường đang chờ quyết định của Bộ Tài chính.

Mới đây, theo bà Trịnh Thị Vân Anh, Phó vụ trưởng Vụ Huy động vốn, kho bạc nhà nước, cơ quan này sẽ trình Bộ Tài chính phê duyệt phương án cụ thể kế hoạch phát hành trái phiếu không thánh toán lãi định kỳ Zero Coupon Bond, dự kiến phát hành thí điểm vào nửa cuối năm 2015. Trung tâm Lưu ký chứng khoán đang tích cực hoàn thiện hệ thống công nghệ phục vụ cho việc triển khai sản phẩm này. Zero Coupon Bond được phát hành nhằm đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường trái phiếu chính phủ, tăng khả năng huy động vốn cho tổ chức phát hành, tạo thêm công cụ và lãi suất tham chiếu cho các công cụ nợ khác trên thị trường. Zero Coupon Bond sẽ giúp nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn để thực hiện các mục tiêu tài chính, do khoản đầu tư ban đầu thấp (vì trái phiếu được bán chiết khấu), giảm thiểu rủi ro tái đầu tư.

Ngoài ra, năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy tăng trưởng “xanh”, mở ra tiềm năng cho việc thúc đẩy thị trường trái phiếu “xanh” tại Việt Nam. Trái phiếu “xanh” đang được xem như một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất do biến đổi khí hậu trong những năm gần đây. Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cũng cho rằng biến đổi khí hậu có thể sẽ làm Việt Nam tổn thất 15 tỷ USD/ năm, tương đương 5% GDP./.

Tài liệu tham khảo

Nguyên Thảo (2015). Phát hành trái phiếu Chính phủ: năm 2015 có gì mới? truy cập từ http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/chung-khoan/thi-truong-trai-phieu-chinh-phu-nam-2015-co-gi-moi-58401.html

Hồng Phúc (2015). Kho bạc phát hành tín phiếu “giải cứu” ngân sách, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/131757/Kho-bac-phat-hanh-tin-phieu-giai-cuu-ngan-sach.html

Ngọc Ánh (2015). Nỗ lực vượt khó trong công tác huy động vốn năm 2015, truy cập từ http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/su-kien-tai-chinh/no-luc-vuot-kho-trong-cong-tac-huy-dong-von-nam-2015-65614.html