Chưa thực sự đồng hành

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế rất sâu rộng với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do kiểu mới, như: TPP, RCEP (ASEAN 6 +)… đã và đang đặt ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp và các định chế tài chính là phải luôn luôn đổi mới để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Tuy nhiên, hiện nay các định chế tài chính vẫn chưa thực sự đồng hành được cùng với doanh nghiệp, để hướng tới một quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi.

Nhận định về vấn đề này, tại Diễn đàn Định chế tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp trong hội nhập tổ chức ngày 25/09/2015, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, khái niệm ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp đã có từ lâu, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp và ngân hàng đang ở trong tình trạng đối đầu, chứ chưa đồng hành, trong khi mối quan hệ của họ giống như “cây và đất”, không có doanh nghiệp, ngân hàng không sống được và ngược lại.

Nói về một trong những vướng mắc của các định chế tài chính làm tính liên kết của doanh nghiệp, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) cho rằng, hiện nay nợ xấu là rào cản rất lớn trong việc các ngân hàng có cho vay vốn được hay không, có đồng hành được với doanh nghiệp hay không?

Đồng tình với quan điểm trên, bà Đỗ Thùy Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hội tụ Nhân tài – TalentPool đưa ra một vướng mắc khác của ngành ngân hàng nói riêng, định chế tài chính nói chung đó là, chất lượng nguồn nhân lực của ngành này còn thiếu và yếu.

Bà Dương cho biết, “Thực tế cho thấy có rất nhiều vấn đề mà đội ngũ giám đốc nhân sự ngành ngân hàng đang phải đối mặt, đó là: thiếu hụt chuyên gia cho những năng lực trọng yếu của ngành, đặc biệt là các chuyên gia về quản trị rủi ro, thị trường vốn, tài chính quốc tế, quản trị dự án... Điều này khiến cho doanh nghiệp không tin tưởng vào những dịch vụ tư vấn tài chính của ngân hàng, làm giảm tính liên kết của hai đối tác kinh tế này”.

Cũng tại Diễn đàn, nói lên những vấn đề liên quan đến tài chính hiện đang làm cản trở doanh nghiệp hội nhập, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết, lãi suất ngân hàng cao, số tiền được vay hạn chế, cùng với những rủi ro về tỷ giá khi hội nhập làm cho các doanh nghiệp của Việt Nam khó có thể phát triển.

Để tăng cường mối liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Để tăng cường sự đồng hành giữa định chế tài chính và doanh nghiệp, bà Đỗ Thùy Dương đưa ra 3 kiến nghị cụ thể đó là: cần phải xây dựng và nâng cao khung năng lực chuẩn; xây dựng niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp; Sàng lọc những doanh nghiệp và ngân hàng có năng lực để xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, để sống với nhau, để cùng nhau lớn lên, thì ngân hàng và doanh nghiệp cần phải hiểu nhau, chia sẻ, thông cảm với nhau, từ đó khai thác những mặt lợi thế của nhau.

Cũng tại Diễn đàn, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực nói về những khả năng hỗ trợ của định chế tài chính cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, bao gồm: thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại; phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất; tư vấn, thông tin, đào tạo, tổ chức hội thảo, xúc tiến thương mại.

Tuy nhiên, để sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của ngân hàng, TS. Lực cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu tác động tiêu cực khi Việt Nam hội nhập sâu rộng bằng cách theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết (đặc biệt cần nắm được lộ trình giảm thuế, lộ trình mở cửu…), từ đó đưa ra định hướng, chiến lược kinh doanh hợp lý.

Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực cũng đưa ra lời khuyên chung cho cả doanh nghiệp và định chế tài chính, đó là chuẩn bị 6 “cần”, gồm: nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ, quy trình, sản phẩm và hợp tác, liên kết; Lưu ý phát triển văn hóa doanh nghiệp và thương hiệu; và Chủ động khuyến nghị chính sách, tăng phối kết hợp hai bên…/.