Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Năm 2015: Hoàn thành 3 nhiệm vụ được đánh giá là “bất khả thi”

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Hội nghị năm nay có nhiều ý nghĩa, bởi 2015 là năm cuối cùng của giai đoạn kế hoạch 5 năm 2011-2015. Chúng ta tổng kết 5 năm nhưng cũng là nhìn lại cả chặng đường giai đoạn vừa qua. 2016 cũng là năm đầu tiên của giai đoạn 5 năm sắp tới, và nhiệm vụ của năm 2016 cũng là nhiệm vụ của 5 năm tiếp theo”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, kiềm chế lạm phát, giữ ổn định tỷ giá và giảm mặt bằng lãi suất là ba mục tiêu cơ bản ngành ngân hàng đã làm được trong thời gian qua, vốn được xem là “nhiệm vụ bất khả thi” của giai đoạn 2011-2015 với khủng hoảng của hệ thống năm 2011.

Cụ thể hơn các kết quả về điều hành chính sách tiền tệ năm qua, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, kết quả tích cực từ điều hành chính sách tiền tệ đã đóng góp quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát cả năm ở mức thấp dưới 1%, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt trên 6,5%.

Tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21/12/2015 tăng 13,55% so với cuối năm trước, phù hợp với kinh tế vĩ mô, tiền tệ và các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Mặt bằng lãi suất giảm nhưng huy động vốn vẫn tăng (đến ngày 21/12/2015, huy động vốn tăng 13,59% so với cuối năm trước) tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,2-0,5%/năm, có tác dụng hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước duy trì ổn định lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động bằng VND, kết hợp với điều chỉnh giảm trần lãi suất USD, đảm bảo duy trì chênh lệch hợp lý giữa lãi suất VND và lãi suất USD.

Để tạo điều kiện giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND; điều tiết thanh khoản của các tổ chức tín dụng hợp lý để tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực xuống mức khoảng 6,5-6,6%/năm; tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát giảm lãi suất cho vay của các khoản vay cũ về mức lãi suất cho vay hiện hành.

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với cuối năm trước (lãi suất ngắn hạn giảm khoảng 0,3%/năm, lãi suất trung và dài hạn giảm khoảng 0,3-0,5%/năm), đưa mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2011.

“Lãi suất huy động giảm khoảng 0,2-0,5%/năm và hiện ở mức tương đối thấp, nhưng lòng tin vào đồng Việt Nam tiếp tục được củng cố và các tổ chức tín dụng tiếp tục huy động được vốn.

Tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục được giữ ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Kết quả tích cực của thị trường ngoại hối trong năm 2015 phản ánh sự điều hành chủ động, tích cực và quyết liệt của các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt điều chỉnh tăng 3% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá từ ±1% lên ± 3% nhằm ứng phó kịp thời với các tác động bất lợi từ thị trường tài chính quốc tế; kết hợp với điều chỉnh lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng hợp lý, mua bán ngoại tệ can thiệp thị trường, ban hành các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ.

Tăng trưởng tín dụng tăng cao hơn so với năm 2014, hỗ trợ đắc lực cho việc đạt tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu của cả năm 2015, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, ước cả năm 2015 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 18%.

Thị trường vàng trong nước diễn biến ổn định, cung - cầu trên thị trường tương đối cân bằng, giá vàng trong nước không còn bị tác động bởi các nhân tố như sự biến động của giá vàng thế giới và sự biến động tăng của tỷ giá USD/VND.

Ngân hàng Nhà nước không phải sử dụng ngoại tệ như trước đây để nhập khẩu vàng can thiệp, bình ổn thị trường vàng miếng, tình trạng vàng hóa tiếp tục được ngăn chặn, góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và công nghệ, dịch vụ ngân hàng tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, đang dần đi vào cuộc sống, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Về triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, sau gần 04 năm thực hiện, ngành Ngân hàng về cơ bản đã đạt được các mục tiêu Đề án.

Cùng với đó, các giải pháp xử lý nợ xấu đã phát huy tác dụng (đặc biệt là thông qua VAMC) đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ. Đến 30/11/2015, khoảng 99,6% nợ xấu của các tổ chức tín dụng ước tính tại thời điểm cuối tháng 9/2012 đã được xử lý, chất lượng tín dụng được cải thiện; nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra.

“Với việc áp dụng đầy đủ chuẩn mực mới về phân loại nợ, từ quý I/2015, không còn tồn tại 02 số liệu nợ xấu (số liệu theo báo cáo của tổ chức tín dụng và số liệu theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước), đồng thời nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được minh bạch hơn”, Phó Thống đốc chỉ rõ.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng,

trong thành quả chung của đất nước “sự đóng góp của ngành ngân hàng rất lớn”. Điều đó thể hiện ở các lĩnh vực: Mặt bằng lãi suất giảm nhanh và khá lớn, tăng trưởng tín dụng vượt kết hoạch, tỉ giá phù hợp diễn biến thị trường và ổn định, phù hợp với mặt bằng lãi suất, tái cơ cấu tổ chức tín dụng đạt mục tiêu tích cực, xử lý nợ xấu vượt mục tiêu đề ra.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, kết quả đó là nhờ ngành ngân hàng đã đánh giá và dự báo tình hình tốt hơn, kiên trì mục tiêu điều hành đặt ra từ đầu nhưng đã có sự chủ động, linh hoạt. Khi có các biến động, ngành ngân hàng kịp thời đưa ra thông điệp cho thị trường kèm với giải pháp phù hợp để ổn định tâm lý, giữ vững niềm tin của thị trường.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc Hội nghị

Năm 2016: Hạn chế điều hành theo mệnh lệnh hành chính

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2016, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2016, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%). Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế.

Phấn đấu chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, chỉ tiêu dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20% so với cuối năm 2015 và căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp.

Chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, để tiếp tục giảm tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế; Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Năm 2016, tiếp tục thực thực hiện các giải pháp theo lộ trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu theo các Đề án đã được Chính phủ thông qua, tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng theo Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ-TTg, ngày 31/05/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; nghiên cứu, hoàn thiện mô hình VAMC...

Nhìn về dài hạn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, đất nước sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển, nhưng trong ngắn hạn năm 2016, thì điều hành chính sách tiền tệ và tài chính vĩ mô “sẽ khó hơn vì nhiều áp lực” về lạm phát thấp, sự biến động của giá dầu thô, xu hướng của các quốc gia sẽ không nới lỏng giá trị đồng tiền và sức ép nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong nước.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để ổn định vĩ mô.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Ngành ngân hàng bảo đảm tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm để phục vụ cho sản xuất phát triển. Nâng cao chất lượng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng phải chú trọng và kiểm soát chặt chẽ cho vay bất động sản, bảo đảm hiệu quả đồng vốn. Ngân hàng Nhà nước củng cố bảo đảm an toàn hệ thống sau tái cơ cấu tổ chức tín dụng.

“Hiện nay ta mới làm một bước, còn việc bảo đảm hệ thống an toàn, lành mạnh và hiệu quả thì cần nhiều thời gian chứ không phải một sớm một chiều. Đặc biệt cần quan tâm tới áp dụng kỹ năng quản trị ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ rõ.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá theo thị trường, nhanh nhạy, kịp thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, dần dần điều hành chính sách tín dụng theo tín hiệu của thị trường, hạn chế điều hành theo mệnh lệnh hành chính./.