Tỷ giá trung tâm của VND với USD ngày hôm nay (6/1) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 21.907 đồng VND/USD, giữ nguyên mức tỷ giá được công bố hôm qua. Như vậy, sau ngày đầu được áp dụng (4/1) với mức 21.896 VND/USD, thì nay đã tăng 11 đồng, ở mức là 21.907 đồng VND/USD.

Tỷ giá trên thị trường tự do lẫn ngân hàng đều diễn biến quay đầu sụt giảm so với sáng qua. Đầu ngày hôm nay (6/1), tỷ giá được Vietcombank niêm yết lúc 8h30 giá mua ở 22.440 đồng, còn bán ra 22.510 đồng. Như vậy, so với đầu ngày 5/1, mức giá thấp hơn 30 đồng.

Trên thị trường tự do, giá mua ngày 6/1 khoảng 22.580 VND/USD, giảm trên dưới 30 đồng so với đầu ngày hôm qua; Giá bán duy trì quanh 22.650 VND/USD, giảm vài chục đồng so với đầu giờ sáng qua và 250 đồng so với đỉnh cao 22.900 đồng hồi đầu tháng 9.

Tỷ giá giảm đang cho thấy mức tăng trong thời điểm FED công bố tăng lãi suất tháng trước chủ yếu do tâm lý, chứ nguồn cung không quá khan hiếm. Hơn nữa, tại Việt Nam hay có tình trạng cứ thấy giá USD tăng thì đổ xô đi mua, tạo ra sự khan hiếm giả tạo.

8 đồng tiền được dùng tính tỷ giá trung tâm

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước bắt đầu áp dụng từ ngày 4/1/2016 theo Quyết định số 2730/QĐ-NHNN, ngày 31/12/2015 về việc công bố tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác.

Tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày là cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

Việc công bố tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước là bước đi tiếp theo trong các biện pháp đồng bộ được thực hiện nhằm mục tiêu xuyên suốt là nâng cao vị thế của Đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

Theo ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), trên thế giới hiện có 2 cách xác định tỷ giá trung tâm. Nhóm các nước như Trung Quốc, họ lấy tỷ giá đóng cửa hôm trước làm tham chiếu cho tỷ giá hôm sau. Nhược điểm của cách này là tỷ giá cuối giờ có thể là chủ quan do các tổ chức tín dụng lớn chi phối.

Nhóm thứ hai là các nước như Singapore, họ dựa chủ yếu vào các đồng tiền mạnh trên thế giới. Ưu điểm của phương pháp này là tỷ giá sẽ phản ứng nhanh với các đồng tiền quốc tế nhưng nhược điểm là khó phản ánh cung cầu trong nước.
Với Việt Nam, theo quan sát trong năm 2015, tỷ giá cũng chịu nhiều chi phối bởi yếu tố tâm lý do các diễn biến trên thị trường quốc tế. Việt Nam lựa chọn cách kết hợp cả 2 yếu tố, để vừa đảm bảo tỷ giá linh hoạt, vừa phản ánh diễn biến thế giới cũng như cung cầu trong nước.

Ngân hàng Nhà nước dựa vào 8 đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam để tính tỷ giá trung tâm, đó là: USD (Hoa Kỳ), Euro (châu Âu), Nhân dân tệ (Trung Quốc), Yên (Nhật Bản), Đô la Singapore, Won (Hàn Quốc), Đô la Đài Loan và Baht (Thái Lan).. Theo ông Dũng, việc lựa chọn được tính toán kỹ và so sánh với danh sách 9 hay 15 đồng tiền khác thì thấy không có sai lệch đáng kể, nên sử dụng 8 đồng tiền giúp cho việc tính toán dễ dàng hơn.

Đặc biệt, khi NHNN công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, các ngân hàng thương mại vẫn được quyết định tỷ giá giao dịch với khách hàng trong biên độ ±3% như đang thực hiện.

Doanh nghiệp sẽ kiểm soát được rủi ro

Ông Bùi Quốc Dũng cho biết, cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ. Đồng thời, việc thay đổi theo ngày giúp tỷ giá biến động nhỏ hơn, không gây sốc cho doanh nghiệp như trước đây.

Theo ông Dũng, cơ chế tỷ giá mới biến động linh hoạt hơn, giúp cung cầu ngoại tệ thông suốt hơn, việc mua bán ngoại tệ dễ dàng hơn. Ngoài ra, vì tỷ giá tăng giảm hàng ngày nên mức biến động mỗi lần sẽ đỡ mạnh hơn. Nếu trước đây khi tỷ giá được cố định thời gian dài, lúc tăng 1-2% thì doanh nghiệp có thể thua lỗ về mặt tỷ giá. Với cách điều hành này mức độ thay đổi nhỏ hơn rất nhiều. Cơ chế tỷ giá trung tâm sẽ khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 15 về giao dịch kỳ hạn, khuyến khích sử dụng sản phẩm phái sinh, ngăn chặn đầu cơ ngoại tệ.

Còn TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng cách điều hành cơ chế tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu. Ông Thành cho rằng, sẽ không có một cơ chế điều hành tỷ giá nào là hoàn hảo mà không có hiệu ứng khác. Một cơ chế linh hoạt và cần thiết khi đáp ứng được những yếu tố sau: Khả năng cạnh tranh ví dụ của xuất khẩu tốt hơn; Hấp thụ tốt hơn các cú sốc tự bên ngoài; Góp phần nhất định trong việc hạn chế đầu cơ. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chính sách tiền tệ có sự tự chủ cao hơn..

Doanh nghiệp thích được xác định với các biến cố cố định để dễ dàng tính toán hơn. Với cơ chế này, mức độ bất định tăng lên có thể gây khó cho doanh nghiệp.

Vì vậy, bên cạnh điều hành để tránh các cú sốc lớn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có những giải pháp đồng bộ để đảm bảo về cơ bản không biến động quá lớn. Ngân hàng Nhà nước phải gắn với thị trường ngoại tệ mà ở đó các Ngân hàng Nhà nước tham gia và là 1 bên nhằm đưa ra tín hiệu cho thị trường ngoại hối và có một cơ chế giám sát./.

Nguồn tham khảo:

http://www.sbv.gov.vn

http://cafebiz.vn/thi-truong/hieu-ve-co-che-ty-gia-moi-cua-viet-nam-chi-sau-3-phut-20160105094335151.chn