Hoàn thành tốt nhiệm vụ 2015

Ngay từ đầu năm 2015, trước tình hình giá dầu thô thế giới giảm mạnh, làm giảm thu NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động tính toán, xây dựng các kịch bản điều hành, đảm bảo cân đối NSNN theo các mức giá dầu dự kiến (40, 50, 60 USD/thùng). Để khắc phục ảnh hưởng, Bộ đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành tài chính - NSNN nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện phấn đấu tăng thu nội địa và xuất nhập khẩu để bù đắp số giảm thu từ dầu thô

Bên cạnh đó, Bộ đã tập trung làm quyết liệt công tác xử lý nợ đọng thuế, nhất là các khoản nợ đọng có khả năng thu (đến tháng 12/2015 đã thu được trên 39 nghìn tỷ đồng nợ thuế nội địa năm 2014 chuyển sang).

Nhờ các giải pháp quyết liệt, phù hợp và quyết tâm, nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ thu ngân sách năm 2015 đã hoàn thành vượt mức dự toán Quốc hội quyết định. Tổng thu NSNN đạt 989,69 nghìn tỷ đồng, bằng 108,6% dự toán, tăng 14,6% so năm 2014.

Trong đó thu ngân sách trung ương cơ bản đạt dự toán, đặc biệt không phải sử dụng đến khoản 10.000 tỷ đồng thu thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Quốc hội đã cho phép để xử lý số giảm thu ngân sách trung ương. Bội chi NSNN được giữ trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp chính quyền địa phương.

Về chi NSNN được quán triệt chủ trương quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Ước tính năm 2015, hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi 736.580 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, đã phát hiện gần 29 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định. Thông qua công tác kiểm soát thanh toán vốn đầu tư đã từ chối thanh toán 95 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán sai danh mục, dự án có quyết định đầu tư phê duyệt sau ngày 31/10/2014. Đồng thời, đã thực hiện cắt giảm trên 4.143 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên của các đơn vị, cơ quan trung ương và dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 để đảm bảo cân đối ngân sách trung ương.

Có thể nói, nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2015 về cơ bản đã hoàn thành toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác. Công tác quản lý thu, điều hành chi được thực hiện chủ động, sát với tình hình thực tiễn, kỷ luật tài chính - ngân sách được tăng cường và có chuyển biến tích cực. Kết quả thu NSNN vượt dự toán và cao hơn số đánh giá trình Quốc hội, góp phần đảm bảo cân đối ngân sách trung ương trong điều kiện có nhiều tác động không thuận từ môi trường thế giới đến nguồn thu ngân sách trung ương, đặc biệt là việc giá dầu thô giảm sâu.

Năm 2016 chủ động ngay từ đầu

Dự toán NSNN năm 2016 được Quốc hội thông qua với tổng thu NSNN là 1.014,5 nghìn tỷ đồng, tổng chi NSNN là 1.273,2 nghìn tỷ đồng, bội chi NSNN 254 nghìn tỷ đồng (4,95%GDP).

Năm 2016 dự báo tình hình tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm 2015, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%, lạm phát dưới 5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%... Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những biến động phức tạp, khó lường trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới và giá dầu thô tiếp tục giảm sâu, dự báo có tác động không thuận đến sự phát triển kinh tế và cân đối thu, chi NSNN năm 2016.

Trong khi đó, dự toán NSNN năm 2016 được Quốc hội thông qua với tổng thu NSNN là 1.014,5 nghìn tỷ đồng, tổng chi NSNN là 1.273,2 nghìn tỷ đồng, bội chi NSNN 254 nghìn tỷ đồng (4,95%GDP).

Để hoàn thành nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2016, Bộ Tài chính xác định cần vào cuộc một cách chủ động, quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tài chính – ngân sách đã được đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016, trong đó:

Thứ nhất, chú trọng tăng cường quản lý thu NSNN, phấn đấu tăng thu từ nội địa và thu từ hoạt động XNK để bù đắp tối đa cho số giảm thu do tác động của dầu thô;

Thứ hai, quản lý, điều hành chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên;

Thứ ba, tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về thuế, hải quan, ngân sách, quản lý tài chính doanh nghiệp, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán...; đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển SX-KD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015;

Thứ tư, điều hành bội chi NSNN trong phạm vi được Quốc hội quyết định; quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công;

Thứ năm, tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, tăng cường công khai, minh bạch./.