Ngày 29/7, ngày cuối cùng của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, với 82,59% đại biểu Quốc hội tán thành.

Theo đó, Quốc hội đã đồng ý điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2014. Cụ thể, Quốc hội đã đồng ý bổ sung 26.169 tỷ đồng (hai mươi sáu nghìn, một trăm sáu mươi chín tỷ đồng) do giải ngân vốn vay ngoài nước ODA tăng vào dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2014.

Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.130.609 tỷ đồng (một triệu, một trăm ba mươi nghìn, sáu trăm linh chín tỷ đồng), bao gồm cả nguồn từ năm 2013 chuyển sang năm 2014, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2013, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.339.489 tỷ đồng (một triệu, ba trăm ba mươi chín nghìn, bốn trăm tám mươi chín tỷ đồng), bao gồm cả 235.506 tỷ đồng (hai trăm ba mươi lăm nghìn, năm trăm linh sáu tỷ đồng) chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015.

Bội chi ngân sách nhà nước là 249.362 tỷ đồng (hai trăm bốn mươi chín nghìn, ba trăm sáu mươi hai tỷ đồng), bằng 6,33% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Quốc hội đồng ý rằng, nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm: vay trong nước 196.693 tỷ đồng (một trăm chín mươi sáu nghìn, sáu trăm chín mươi ba tỷ đồng); vay ngoài nước 52.669 tỷ đồng (năm mươi hai nghìn, sáu trăm sáu mươi chín tỷ đồng).

Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; Chỉ đạo các cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị kịp thời khắc phục những hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 3520/BC-UBTCNS13 ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Hải đã cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, công tác xây dựng và giao dự toán thu ngân sách ở một số địa phương còn chưa tích cực, chưa dự báo và bao quát hết nguồn thu.

Bên cạnh đó, dự toán chi chưa thực sự căn cứ vào nhiệm vụ thực tế, do vậy khi thực hiện nhiều khoản chi vượt dự toán (như giải ngân vốn ODA...) hoặc không đạt so với dự toán, thừa nguồn kinh phí, ảnh hưởng đến cân đối và điều hành của các cấp ngân sách, dẫn đến phải chi chuyển nguồn, nhưng ngược lại, có nhiệm vụ chi cần thiết lại thiếu hoặc không có nguồn kinh phí để thực hiện.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán trong những năm tới sát với khả năng thực hiện, nâng cao chất lượng công tác dự báo để bố trí ngân sách tích cực, tránh tình trạng thu, chi ngân sách nhà nước vượt lớn so với dự toán được Quốc hội quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy, nhiều ý kiến đại biểu quốc hội cho rằng, chi đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều sai phạm, xảy ra ở hầu hết các khâu trong quá trình đầu tư, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp là xác đáng.

Cụ thể, năm 2014, chi đầu tư xây dựng cơ bản vẫn xảy ra nhiều sai phạm trong hầu hết các khâu trong quá trình đầu tư, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản còn lớn, nhiều công trình, dự án còn chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.

Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, căn cứ vào thực tiễn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiên quyết khắc phục những hạn chế, tăng cường quản lý nhằm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Về ý kiến cho rằng, việc tăng chi vốn ODA chưa đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, những năm qua và năm 2014 nhu cầu vốn ODA rất lớn. Do cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, trong dự toán Quốc hội quyết định, chỉ bố trí được 15.484 tỷ đồng.

Thực hiện cam kết với nhà tài trợ, để tăng cường sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vay ưu đãi, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực giải ngân vốn để sớm đưa dự án, công trình vào sử dụng, vì vậy số giải ngân thực tế vượt so với dự toán là 26.169 tỷ đồng.

Đồng thời, đây phần lớn là các công trình quan trọng, cấp bách của Trung ương và địa phương, góp phần tạo cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế, xã hội. Các dự án, công trình này đã được Chính phủ báo cáo cụ thể với Quốc hội.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội chấp thuận cho phép bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2014 và cho quyết toán chi ngân sách nhà nước số tiền này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tích cực để khắc phục tình trạng chi vượt dự toán Quốc hội quyết định, bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước, không để xảy ra tình trạng này trong những năm tiếp theo./.