Khối nợ nước ngoài của doanh nghiệp Việt đang ngày càng phình lên.

Theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu BIDV, tính đến cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2,608 triệu tỷ đồng (tương đương 117 tỷ USD), gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1,393 triệu tỷ đồng).

Bản tin Nợ công số 4 vừa mới được Bộ Tài chính công bố cho biết, đến cuối năm 2014 nợ của Chính phủ ở mức gần 86 tỷ USD, (tương đương hơn 1,8 triệu tỷ đồng). So với năm 2010, nợ của Chính phủ đã tăng gần gấp đôi (năm 2010 là 47 tỷ USD).

Cơ cấu nợ trong nước vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dư nợ của Chính phủ. Cụ thể, năm 2014 nợ nước ngoài là 810.000 tỷ đồng, thì nợ trong nước là trên 1 triệu tỷ đồng. Điều đáng chú ý là tỷ trọng nợ trong nước tăng cao chỉ bắt đầu trong hai năm 2013 – 2014, trong khi giai đoạn trước 2012, nợ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Nếu như năm 2010, trong tổng số 889.000 tỷ đồng nợ thì hơn 530.000 tỷ đồng là nợ nước ngoài và chỉ hơn 359.000 tỷ đồng là nợ trong nước. Năm 2011 - 2012, nợ nước ngoài lần lượt là hơn 666.000 tỷ đồng và hơn 727.000 tỷ đồng trong khi nợ trong nước là hơn 426.000 tỷ đồng và 552.000 tỷ đồng.

Đối với nợ nước ngoài, vay ODA, vay ưu đãi vẫn chiếm tỷ trọng cao (trên 94%) với kỳ hạn còn lại bình quân trên 10 năm.

Điều đáng nói là hiện nay nợ công Việt Nam vẫn chưa tính theo chuẩn quốc tế, vẫn để ngoại bảng các món nợ của doanh nghiệp nhà nước. Trong khi, khối nợ của các doanh nghiệp này cũng đang ngày càng phình lên.

Theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, thì việc huy động vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ cho bên vay nước ngoài theo đúng các điều kiện đã cam kết trong các thỏa thuận vay.

Điều kiện, trình tự, thủ tục xem xét chấp thuận khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được chính phủ bảo lãnh.

Song, khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp phải nằm trong hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải được đăng ký và xác nhận của Ngân hàng Nhà nước theo quy định hiện hành.

Doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn. Nhà nước không chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ do doanh nghiệp trực tiếp vay, trừ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Đó là khối doanh nghiệp nhà nước. Khối DN FDI lại càng dễ vay nợ nước ngoài hơn vì có công ty mẹ ở nước ngoài.

Hiện nay, các hình thức vay nợ nước ngoài không có bảo lãnh của Chính phủ rất đa dạng. Rất nhiều khoản là đối tác cho nhau vay, vay trả chậm qua L/C, đối tác nước ngoài ứng tiền trước cho đối tác xuất khẩu hàng hóa phía Việt Nam, đối tác nhập khẩu nước ngoài đồng ý cho đối tác xuất khẩu Việt Nam trả chậm tiền hàng 3-9 tháng với giá hàng hóa đàm phán cao hơn giá trị trường (về bản chất, nó như một khoản cho vay mà lãi suất, chi phí vay là phần giá cộng thêm vào giá hàng hóa)...

Doanh nghiệp vay từ ngân hàng ở nước ngoài, đối tác xuất nhập khẩu trả chậm qua L/C nhưng ngân hàng làm trung gian bảo lãnh trả trước cũng là hình thức tín dụng. Việc phát hành công cụ nợ, khoản vay phát sinh từ hợp đồng thuê tài chính với nước ngoài... cũng là vay nợ nước ngoài.

Giám sát chặt chẽ tình hình nợ nước ngoài của DN

Tuy nhiên, khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI đang vay nợ nước ngoài tổng cộng bao nhiêu? Hiện không có cơ quan nào trả lời chính xác được câu hỏi này.

Trong bối cảnh đó, Văn phòng Thủ tướng đã phát đi Công văn số 7093/VPCP-KTTH, ngày 25/8/2016 về việc báo cáo tình hình vay trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp năm 2015.

Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường xuyên giám sát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức vay trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp, chủ động thông tin kịp thời cho Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về hạn mức vay khi cần thiết; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử trong lĩnh vực quản lý vay, trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ này phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo kế hoạch vay và trả nợ của doanh nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả giai đoạn 2017-2020 có tính đến các dự án đang xem xét cấp phép mới và thông báo cho Bộ Tài chính để cập nhật Chương trình quản lý nợ trung hạn, tổng hợp xây dựng hạn mức vay hàng năm.

Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giới hạn mức vay nước ngoài của doanh nghiệp trong mối quan hệ với quản lý tài chính doanh nghiệp, khả năng áp dụng các nội dung này trong điều kiện khung pháp lý và thực tiễn của Việt Nam để xây dựng điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết, đảm bảo mức vay nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn, báo cáo và đề xuất giải pháp với Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng cơ cấu vốn của khối doanh nghiệp FDI để đánh giá mức độ rủi ro của việc phụ thuộc nhiều vào vay nước ngoài của khối doanh nghiệp FDI; định hướng và giải pháp khắc phục chiến lược vốn mỏng của các doanh nghiệp FDI./.