Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng trước 2.040 tỷ đồng từ nguồn thu bán cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng để hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương thực hiện các dự án cấp bách khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương liên quan về tổng mức vốn, danh mục công trình dự án được hỗ trợ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác các thông tin của các dự án được hỗ trợ vốn; đồng thời, hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục đầu tư liên quan đối với dự án cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 136/2015/NĐ-CP, ngày 31/12/2015.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án sử dụng nguồn thu từ bán cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 vào thời điểm phù hợp, trong đó bố trí 2.040 tỷ đồng để hoàn trả số vốn ứng đã được trước nêu trên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hỗ trợ vốn có trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khẩn cấp theo đúng quy định; đồng thời, chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số vốn được hỗ trợ, bảo đảm đúng mục đích và hiệu quả đầu tư.

Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án khẩn cấp thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu.

Trước đó, để đối phó có hiệu quả với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương coi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay là thiên tai đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, cần huy động cả hệ thống chính trị, tăng cường nguồn lực thực hiện các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân.

Đặc biệt, nhanh chóng hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả với các nguồn chi trả, hỗ trợ cụ thể: 623.800 triệu đồng hỗ trợ 39 địa phương bị thiệt hại nghiêm trọng; hỗ trợ 215 tỷ đồng cho các địa phương để mua giống, khôi phục sản xuất cho các diện tích bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; tạm ứng hỗ trợ khẩn cấp đắp đập tạm, cấp nước sinh hoạt cho các địa phương trong khu vực, mỗi địa phương khoảng 50 tỷ đồng (tổng cộng 650 tỷ đồng).

Nhất là ưu tiên bố trí 1.060 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) để đầu tư một số hạng mục công trình, công trình để phát huy hiệu quả đầu tư, đưa vào sử dụng phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, gồm có: Đê bao ngăn mặn Long Mỹ-Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), dài 30 km, kinh phí 260 tỷ đồng; Đầu tư xây dựng mới các công trình kiểm soát mặn, giữ ngọt: trạm bơm cống Xuân Hòa (Tiền Giang) 250 tỷ đồng; cống Thủ Cựu (Bến Tre) 300 tỷ đồng; Thay thế các cống đóng mở tự động bằng đóng mở cưỡng bức để chủ động lấy nguồn nước ngọt chủ động (khoảng 250 tỷ đồng).

Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án quan trọng có tác động liên vùng với tổng kinh phí là 8.000 tỷ đồng, bao gồm: cống Cái Lớn-Cái Bé; cống Tha La-Trà Sư; Âu Ninh Quới và hệ thống chuyển nước cho Nam Quốc Lộ 1A; Kênh Mây Phốp- Ngã Hậu; Sạt lở bờ biển Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; Hệ thống Nam Bến Tre; hệ thống ngăn mặn tiếp ngọt Vũng Liêm-Vĩnh Long; hệ thống ngăn mặn Chắc Băng./.