Chương trình có sự tham gia của 80 tổ chức tín dụng và khoảng 200 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất của các làng nghề.

Thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP, ngày 28/04/2016 và Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 147/KH-UBND, ngày 30/07/2016 về việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Ngày 04/06/2016, UBND Thành phố Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký kết Quy chế phối hợp số 02/UBND-NHNN về hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, trong năm 2015 và 8 tháng đầu năm 2016 các tổ chức tín dụng đã tích cực phối hợp, ký hợp đồng tín dụng với doanh nghiệp, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô; thúc đẩy tăng trưởng dư nợ, cơ cấu nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, điều chỉnh các khoản vay theo chủ trương của Chính phủ.

Tính đến 31/08/2016, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 1.541.232 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước, tăng 4,5% so với 31/12/2015.

Nguồn huy động của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhẹ, bình quân trong 2 năm qua tăng 17,21%/năm. Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng tại Hà Nội chiếm 30% tổng số nguồn vốn huy động cả nước; tổng dư nợ tín dụng tại địa bàn đạt 1.344.121 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, tăng 8,61% so với 31/12/2015. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.033.936 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 76,9% tổng dư nợ và tăng 11,5% so với cuối năm 2015.

Dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng liên tục tăng trưởng, khoảng 18,08% trong 2 năm. Dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng tại Hà Nội chiếm 27,5% tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng cho vay nền kinh tế. Tổng dư nợ tín dụng và tốc độ tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội luôn cao hơn TP. Hồ Chí Minh.

Hiện tại, Hà Nội có trên 200.782 doanh nghiệp, nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn.

Số vốn được ký kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại Hội nghị đạt gần 3.000 tỷ đồng

Thực tế, lãi suất cho vay của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp luôn được quan tâm với nhiều gói vay phù hợp có lãi suất thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 1,5%-2%/năm, trong đó năm 2015, lãi suất giảm còn phổ biến từ 6-7%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn; khoảng 8%-9% đối với các khoản trung và dài hạn.

Một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên và có xếp hạng tốt vay vốn các ngân hàng thương mại lớn được hưởng lãi suất ưu đãi 4%-4,5%/năm.

Hiện dư nợ cho vay theo các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng liên tục tăng trưởng.

Cụ thể, năm 2015 cam kết cho vay 109.305 tỷ đồng; 8 tháng đầu năm 2016 là 170.445 tỷ đồng, đã giải ngân 121.128 tỷ, trong đó cho vay theo chương trình bình ổn thị trường là 14.428 tỷ đồng.

Chương trình này tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi trong mọi lĩnh vực. Tổ chức tín dụng có cơ hội tiếp thị, giới thiệu về tổ chức mình và các sản phẩm dịch vụ về vốn vay tới các doanh nghiệp trên địa bàn; góp phần giúp các tổ chức tín dụng đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các ngân hàng thương mại đối với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; đồng thời thông tin cụ thể về chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội để các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng biết và đăng ký tham gia Chương trình.

Tại hội nghị đã diễn ra kết nối trực tiếp của 10 tổ chức tín dụng và 11 doanh nghiệp đại diện cho các tổ chức tín dụng và các doanh tham gia hội nghị, với số vốn ký kết gần 3.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác đã có đăng ký vay vốn với các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục ký kết, giao dịch trực tiếp tại hội nghị và tại các ngân hàng.

Dự kiến, trong 3 tháng cuối năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố sẽ tập trung giải ngân số vốn đã cam kết theo Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.

Đồng thời, bố trí nguồn vốn tín dụng khoảng 150.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay vốn, đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần bình ổn thị trường trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố./.