Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay

Tại Nghị quyết số 89/NQ-CP về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2016, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong những tháng cuối năm tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Chỉ đạo này của Chính phủ thể hiện quyết tâm thúc đẩy hỗ trợ sản xuất, kinh doanh để tăng lực cho nền kinh tế. Ngay sau đó, nhiều ngân hàng hướng ứng bằng việc cắt giảm lãi suất cho vay.

Giảm lãi suất cho vay là "liều thuốc bổ" cho nền kinh tế

Động thái đầu tiên là từ ngày 15/10, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay 6 nhóm đối tượng, cả các khoản vay cũ và mới. Trong đó, các mức lãi suất cho vay tại Vietcombank giảm khá mạnh, bình quân khoảng 1%/năm so với hiện nay, một số nhóm đối tượng được xem xét giảm sâu hơn.

Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại Thông tư 08/2014/TT-NHNN, ngày 17/3/2014 (phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm.

Tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được Vietcombank điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Các khoản cho vay ngắn hạn mới sẽ được áp dụng lãi suất tối đa là 6%/năm. Ngoài ra, theo thông cáo, đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của Vietcombank sẽ xem xét điều chỉnh giảm sâu hơn. Vietcombank áp dụng chính sách lãi suất cho vay nói trên từ ngày 15/10 đến 31/12/2016.

Còn tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), lãi suất cho vay VND cũng bắt đầu có những bước giảm mạnh, từ 1-1,5%/năm. Trong đó, mức giảm mạnh nhất 1,5%/năm được tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng nhóm khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Ở khối các ngân hàng cổ phần, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng thông báo giảm lãi suất cho tất cả các khách hàng. Theo đó, khách hàng cá nhân vay mới, nhà băng này giảm lãi từ mức tối đa 11,5%/năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5%/năm. Khách hàng doanh nghiệp vay ngắn hạn lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, trung và dài hạn cố định năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm.

Thông tin từ ngân hàng này cho biết dành hẳn 18.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay với lãi suất này. Theo đại diện ngân hàng, lý do hạ lãi suất là để giúp doanh nghiệp bổ sung kịp thời nguồn vốn lưu động cũng như nguồn vốn trung dài hạn phục vụ các phương án, dự án sản xuất kinh doanh.

Tương tự, ngân hàng VIB cũng công bố áp dụng lãi suất cho vay chỉ từ 6,99%/năm cho các khoản vay có thời hạn trên 12 tháng. Tuy nhiên, chương trình chỉ áp dụng từ nay đến cuối năm 2016.

Như vậy, số lượng các ngân hàng thương mại tuyên bố hạ lãi suất cho vay đang ngày một nhiều hơn, mở ra kỳ vọng lãi suất cho vay thời gian tới có thể sẽ hạ nhiệt.

Không giảm lãi cho vay sẽ dễ "mất" khách hàng

Bình luận về đợt giảm lãi suất này, TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, cho rằng lý do các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất là bởi họ phải theo xu hướng của các ngân hàng thương mại nhà nước. Khi nhóm “big 4” hạ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn từ 0,3%-0,5% là họ đã có thêm điều kiện để giảm lãi suất cho vay, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay của nhóm này vốn dĩ đã thấp hơn các ngân hàng cổ phần. Nếu các ngân hàng cổ phần không đi theo bằng cách giảm lãi suất cho vay thì sẽ mất khách hàng.

"Thực tế, để giảm lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 04, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, tiết kiệm chi phí và giảm lãi suất cho vay. Hiện có một số ngân hàng đã giảm lãi suất. Dự kiến từ nay đến cuối năm nhu cầu tín dụng tăng cao hơn đầu năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến lạm phát để điều hành. Gần đây một số ngân hàng thương mại lớn có hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản hệ thống dư thừa, thì đây là cơ sở tốt để cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay" , Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

TS. Bùi Quang Tín phân tích thêm, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng các kỳ hạn dưới 3 tháng hiện rất rẻ, bằng một phần nhỏ của thị trường 1, nên khi cần vốn rẻ để cho thị trường 1 thì họ vẫn có thể vay thêm từ thị trường 2.

Do vậy các ngân hàng cổ phần không có vốn nhà nước vẫn có đủ nguồn để cân đối thêm và cho vay với lãi suất rẻ hơn. Khi đến thời gian đáo hạn trên thị trường 2 thì cũng là thời điểm sắp sang năm mới, nhu cầu vốn lúc đó sẽ giảm và lãi suất trên thị trường 1 có thể điều chỉnh hạ để trả, hoặc gia hạn thị trường 2.

Một lý do nữa khiến các ngân hàng có thể giảm lãi suất đó là vốn của họ hiện nay còn dư thừa, nên thay vì đi gửi trên thị trường 2 hoặc mua tín phiếu Ngâ hàng Nhà nước với lãi suất chỉ bằng lãi suất qua đêm của thị trường 2 thì ngân hàng sẽ chọn cho vay thị trường 1 với lãi suất hạ hơn đôi chút thì còn lợi hơn nhiều.

Nói về cơ sở để giảm lãi suất cho vay, tại buổi báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, sức ép từ cầu tín dụng đã không còn, thay vào đó, huy động dồi dào đã giúp mặt bằng lãi suất trong nước giảm dần trong quý III. Lãi suất bình quân liên ngân hàng, cả qua đêm và một tuần, đều giảm liên tục trong 3 tháng vừa qua. Lãi suất kỳ hạn một tuần giảm dần từ mức trung bình 1,6% trong tháng 6 xuống lần lượt 1,35% - 1,01% - 0,54% trong 3 tháng tiếp theo. Nguồn huy động dồi dào đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại lớn hạ lãi suất huy động, sau một thời gian dài giữ ở mức kịch trần.

Cuối tháng 9, một số ngân hàng thương mại, như: Vietcombank, Vietinbank và BIDV đã đồng loạt điều chỉnh giảm các mức lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 năm từ 0,3-0,5%/năm. Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tính tới ngày 20/09/2016 đã tăng 11,8% so với thời điểm cuối năm 2015, cao hơn so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2015.

Với những con số khả quan đó, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng đó là điều kiện thuận lợi để ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, Viện trưởng VEPR cũng chỉ khuyến cáo mang tính kỳ vọng rằng, “đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước”.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay do sức ép từ cầu tín dụng đã không còn

Trước đó, nhận định về cơ hội giảm lãi suất cho vay dịp cuối năm, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 diễn ra chiều ngày 04/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, những tháng đầu năm trên thị trường đã xuất hiện xu hướng một số ngân hàng tăng lãi suất huy động nên khó giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, cuối tháng 4 đầu tháng 5 khi Thủ tướng Chính phủ thực hiện đối thoại với doanh nghiệp và có chỉ đạo tại Nghị quyết 35 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tổ chức điều hành, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu ngăn chặn xu hướng tăng lãi suất huy động, từ đó để giảm áp lực lên lãi suất cho vay. Vì vậy, các hoạt động điều hành Ngân hàng Nhà nước là theo hướng điều tiết lượng vốn khả dụng của hệ thống một cách hợp lý.

“Có nghĩa, cho phép hệ thống dư thừa thanh khoản, cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Việc này nhằm giúp cho các tổ chức tín dụng nếu khó khăn thanh khoản thì tiếp cận thị trường liên ngân hàng, không quay ra tăng lãi suất huy động trên thị trường”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin.

Thực tế, động thái giảm lãi suất cho vay là trợ lực tích cực cho nền kinh tế, bởi như chuyên gia Bùi Trí Hiếu nhận định, lãi suất là giá vốn của nền kinh tế, giá vốn quá cao thì người dân sẽ không đi vay hay không muốn đi vay, làm chậm phát triển kinh tế. Như vậy, có thể nói việc nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay, là một “liều thuốc bổ” cho nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về vốn và áp lực lãi suất cao trong thời gian qua./.