Tại chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Đấu giá tài sản trong có đó bàn nội dung ngăn chặn thực trạng nhức nhối này.

Ngăn chặn “quân xanh – quân đỏ”

Sáng 24/10, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đấu giá tài sản. Trong đó, có số ý kiến đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ,” tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Trong Báo cáo trước Quốc hội về dự án Luật Đấu giá tài sản vào sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu nhiều ký kiến của các Đại biểu Quốc hội từ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII về dự luật này. Trong đó có một số ý kiến đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.

Ý kiến này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, tách bạch những vấn đề liên quan đến trước và sau khi tổ chức cuộc đấu giá như niêm yết việc đấu giá tài sản, đăng ký tham gia đấu giá, xác định giá khởi điểm, xử lý tiền đặt trước và chuyển quyền sở hữu tài sản...

Cụ thể, tại Điều 72 của Luật Đấu giá tài sản đã quy định, hủy kết quả đấu giá tài sản theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp đấu giá tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, khi có căn cứ về hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định tại Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan làm cơ sở áp dụng chế tài xử lý mạnh mẽ hơn đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản.

Đặc biệt, trong dự luật có điểm rất đáng quan tâm là về quyền và nghĩa vụ của “đấu giá viên”. Bên cạnh những quy định về chứng chỉ hành nghề phải chặt chẽ, rõ ràng, thì nhiều kiến đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của đấu giá viên gây ra. Tuy nhiên, ông Thanh nhấn mạnh, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do đấu giá viên gây ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy nội dung này đã được quy định tại dự thảo Luật, không chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của đấu giá viên mà đồng thời quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức đấu giá tài sản.

Thực tế, vấn đề đã được quy định tại Luật, quy định tổ chức đấu giá tài sản có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do tổ chức gây ra trong khi thực hiện đấu giá và xử lý vi phạm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản. Tại buổi thảo luận, cũng có ý kiến cho rằng có thể tổ chức đấu giá tài trực tuyến. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, để đấu giá tài sản trực tuyến sẽ rất tốn kém. Do vậy, trước mắt Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạm thời giao cho Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này, tùy vào điều kiện thực tế.

Đánh giá về Dự luật Đấu giá tài sản, Đại biểu Nguyễn Trường Giang, (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, dự thảo luật đã quy định chặt chẽ hơn về trình tự thủ tục đấu giá, tách các vấn đề trước, trong và sau quá trình đấu giá; việc niêm yết đấu giá, xử lý tiền đặt trước, hủy kết quả đấu giá….. Đặc biệt, trong dự thảo nêu rất cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong các quá trình đấu giá, cụ thể với từng đối tượng tham gia như đấu giá viên, hội đồng đấu giá, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá… Dự thảo luật cũng có phần xử lý vi phạm và sau này Chính phủ sẽ căn cứ vào hành vi bị cấm và hành vi quy định trong Luật sẽ ban hành Nghị định xử phạt trong lĩnh vực đấu giá. Các quy định đó cùng các quy định công khai minh bạch khách quan đã được quy định trong dự thảo luật sẽ hạn chế được việc “quân xanh, quân đỏ” như thực trạng xảy ra vừa qua xảy ra”.

Mấu chốt là minh bạch và công khai

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đánh giá yêu cầu về tính công khai, minh bạch của việc đấu giá nhất là tài sản công được quy định tại 3 điều 34,35,36 của dự thảo Luật còn mang tính hình thức, dễ dẫn đến những sự việc đã rồi. Đại biểu Thành phân tích, việc quy định địa điểm đấu giá là nơi có tài sản đấu giá, ở đây có thể là Ủy ban Nhân dân của thị trấn, hoặc xã là quá rộng. Mặc dù quy định như vậy đảm bảo tính linh hoạt nhưng lại không thúc đẩy tính chuyên nghiệp của hoạt động đấu giá, tạo nhiều kẽ hở, rào cản cho quá trình thực thi, tăng chi phí hành chính và không tạo được điều kiện cho các thành phần tham gia. Chưa kể, hoạt động đấu giá thường phát sinh ở những nơi có điều kiện kinh tế phát triển, do vậy địa điểm đấu giá nên quy định ở các trung tâm dịch vụ đấu giá để nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia. Do vậy, có thể sửa Điều 36 lại là cuộc đấu giá tài sản được tổ chức ở trung tâm đấu giá hoặc địa điểm khác theo thỏa thuận của người có tài sản và tổ chức đấu giá tài sản trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...

Dự thảo Luật Đấu giá tài sản gồm 8 chương, 81 điều, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại và quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Cũng tại buổi thảo luận về việc cho ý kiến quy định thông báo, công khai việc đấu giá tại Điều 57 khoản 1: "Ngoài quy định về niêm yết việc đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này, đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 50 triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần liên tiếp trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 1 ngày làm việc”.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, không nên quy định bắt buộc phải thông báo trên báo in và báo hình, cần hạn chế của các loại hình này là chi phí cao. Do vậy để tiết kiệm chi phí đấu giá, các tổ chức, cá nhân đấu giá tài sản phải tính toán, có những trường hợp tài sản đấu giá tuy giá trị thấp nhưng phải đấu giá nhiều lần mà vẫn không có người mua, rất tốn kém. Do đó, nên bỏ quy định này và luật hóa quy định đăng tải công khai trên web đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp và các trang thành phần của bộ, ngành, địa phương để đảm bảo người dân được tiếp cận thông tin về đấu giá tài sản khách quan, đầy đủ, chuyên nghiệp...

Kết luận nội dung buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, sẽ chỉ đạo ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua./.