Cho phá sản ngân hàng

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 22/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém. Theo đó, trong giai đoạn tới, việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ triển khai quyết liệt hơn, với nhiều giải pháp mới.

Trước đây, cổ phần hóa số lượng doanh nghiệp thì rất nhiều nhưng tổng vốn hóa thì rất thấp. Lần này xác định rõ là với loại 100% (vốn nhà nước) cần giữ thì phải giữ, rồi loại 65% và loại 50%, còn loại dưới 50% thì có thể thoái hết vốn. Chúng ta thay đổi cơ bản cách thức quản trị. Sau cổ phần hóa rồi thì dứt khoát phải lên sàn, và phải công bố thông tin. Dự kiến trong tuần này Chính phủ đốc thúc rất quyết liệt.

Ảnh minh họa: KT

Thực tế, doanh nghiệp thua lỗ trước đây thường xin cơ chế nọ kia. Bây giờ cần phân loại ra, nếu thua lỗ do vấn đề khách quan, khả năng còn tái cơ cấu được thì mới tập trung tái cơ cấu. Không cho lạm dụng từ tái cơ cấu. Doanh nghiệp nào thua lỗ, dự án đầu tư không có hiệu quả (như gang thép Thái Nguyên bây giờ mà bỏ tiền vào nữa thì có mà chết), dứt khoát phải xử lý”. Do vậy, không nói đến tái cơ cấu mà nói là xử lý các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thu lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả. Nhà nước không cứu những anh như vậy, phải rõ ràng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Còn đối với hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, ông Huệ cho biết hiện nay báo chí, dư luận đang quan tâm là có hay không việc sử dụng các nguồn lực nhà nước để giải quyết nợ xấu. Ông khẳng định, “Chúng ta đừng lẫn lộn hai khái niệm ngân sách nhà nước và nguồn lực nhà nước. Thực tế là từ trước đến giờ và có lẽ sau này cũng vậy, chúng ta rất cân nhắc chuyện sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém” - ông nói.

Theo Phó thủ tướng, thực tế hiện nay chúng ta đang dùng nguồn lực nhà nước khi một tổ chức tín dụng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Tức là nếu cho phép ngân hàng trích lập 100 đồng thì tương ứng ngân sách đã đóng 25 đồng trong đó, bởi vì nếu không cho trích lập thì 25 đồng đó là nhà nước thu về (thuế thu nhập doanh nghiệp).

“Rồi khi nhà nước cho Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành trái phiếu đặc biệt có nghĩa là dùng ngân sách nhà nước rồi, bởi nếu cho vay thông thường thì lãi suất 7-8%, còn tái cấp vốn chỉ 3%. “Cho nên đừng nghĩ chỉ dùng kỹ thuật là xử lý được nợ xấu. Lần này chúng ta khẳng định rằng có thể sử dụng nguồn lực của nhà nước lớn hơn để xử lý nợ xấu”.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ cũng đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino, sẽ cho phá sản ngân hàng yếu kém”.

“Làm được như vậy thì có tác dụng cảnh tỉnh, chứ cứ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi nhà nước đứng ra lo thì ai cũng muốn làm ngân hàng. Như vậy với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì chúng ta nói là tái cơ cấu, còn với những ngân hàng không phục hồi được thì chúng ta gọi là xử lý ngân hàng yếu kém”.

Đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền

Trong phát biểu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh rằng, Chính phủ đã đề xuất giải pháp mạnh hơn trong tái cơ cấu ngân hàng, cụ thể là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, sẽ đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.

Theo Nghị định 68/2013/NĐ-CP, ngày 28/06/2013, Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi, nghị định này giữ nguyên quy định về chi phí bảo hiểm tiền gửi, số tiền bảo hiểm được trả tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP trước đó.

Theo đó, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền (một cá nhận hoặc người đại diện theo pháp luật) tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 50 triệu đồng. Nghĩa là dù người gửi tiền có gửi 1 tỷ đồng tại một ngân hàng thì khi ngân hàng này phá sản, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ chỉ chi trả cho người gửi tiền trên tối đa là 50 triệu đồng.

Con số 50 triệu đồng này quá ít và được quy định từ hơn 10 năm trước, vì vậy, nếu chỉ trông chờ vào Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, rõ ràng người dân gửi tiền sẽ không được đảm bảo quyền lợi.Tất nhiên tiền gửi của người dân không chỉ trông chờ vào Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, mà phần nhiều trông chờ vào tiền thu được từ hoạt động thanh lý tài sản ngân hàng khi phá sản.

Theo trình tự ưu tiên, ngân hàng sẽ tiến hành chi trả cho chủ nợ là cơ quan thuế đầu tiên, tiếp đến chính là người gửi tiền, thứ ba là các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, thứ tư là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là cổ đông của ngân hàng.

Cụ thể, trường hợp đầu tiên, thí dụ ngân hàng A tại một thời điểm sau khi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thanh toán đầy đủ tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, theo sổ sách, có tổng tài sản là 20.000 tỷ đồng, được hình thành từ nguồn nợ phải trả là 21.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là âm (-) 1.000 tỷ đồng, tiến hành phá sản.

Lúc đó, giả sử 21.000 tỷ đồng nợ phải trả bao gồm: 500 tỷ đồng nợ thuế, 12.000 tỷ đồng nợ tiền gửi khách hàng, 7.500 tỷ đồng nợ các tổ chức tín dụng, 1.000 tỷ đồng nợ các nhà cung cấp dịch vụ.

Trong trường hợp này, khi tiến hành thanh lý toàn bộ 20.000 tỷ đồng tài sản (theo sổ sách) trên, ngân hàng A thu về 15.000 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ thu hồi là 75%.

Theo trình tự, ngân hàng A sẽ tiến hành chi trả toàn bộ 500 tỷ đồng cho cơ quan thuế, chi trả toàn bộ 12.000 tỷ đồng cho người gửi tiền, nhưng chỉ chi trả được 2.500 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng (trong số 7.500 tỷ đồng tiền nợ) và không thể chi trả một đồng nào trong số 1.000 tỷ đồng nợ các nhà cung cấp dịch vụ. Tất nhiên, các cổ đông cũng không nhận được một đồng nào. Trong trường hợp này, người gửi tiền thu hồi lại được toàn bộ số tiền của mình.

Trường hợp 2, ngân hàng A chỉ thu về 10.000 tỷ đồng sau thanh lý, tương đương với tỷ lệ thu hồi là 50%. Theo trình tự, ngân hàng A sẽ tiến hành chi trả toàn bộ 500 tỷ đồng cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, ngân hàng này chỉ có thể chi trả 9.500 tỷ đồng cho người gửi tiền trong tổng số 12.000 tỷ đồng tiền nợ, nghĩa là còn thiếu 2.500 tỷ đồng. Tất nhiên, các đối tượng còn lại không được chi trả một đồng nào.

Vậy 2.500 tỷ đồng còn thiếu này (hoặc có thể lớn hơn trong những trường hợp khác) sẽ bù cho người gửi tiền từ đâu? Điều này phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ, có thể được Chính phủ bù một phần, bù toàn bộ hoặc người gửi tiền phải chấp nhận mất trắng số tiền này, coi như là rủi ro phải gánh chịu khi đầu tư.

Nhiều trường hợp khác ít khi xảy ra, chẳng hạn như ngân hàng A thu về tới 21.000 tỷ đồng sau thanh lý (tương đương tỷ lệ thu hồi 105%), do đó thanh toán được hết nợ cho các chủ nợ. Điều này vẫn có thể xảy ra bởi 20.000 tỷ đồng tổng tài sản là giá trị trên sổ sách, thực tế vẫn có thể lớn hơn. Thậm chí, nếu thu về được trên 21.000 tỷ đồng sau thanh lý, cổ đông ngân hàng A còn có thể nhận lại được một phần tiền nhất định.

Trên đây là một vài thí dụ giả định mang tính trực quan. Tuy nhiên về cơ bản, người gửi tiền được đảm bảo quyền lợi theo hướng như trên nếu ngân hàng phá sản. Song, cần lưu ý rằng, quá trình tiến hành phá sản ngân hàng, đặc biệt là hoạt động thanh lý tài sản, có thể mất một khoảng thời gian dài, gây ra tâm lý tiêu cực cho người gửi tiền. Với vai trò điều phối, Chính phủ có thể đứng ra bảo lãnh thanh toán trước cho người gửi tiền nếu như các thỏa thuận thanh lý tài sản với các đối tượng mua đã hoàn tất./.