Sáng 28/10 tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng đã tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế “Phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng phát triển của thị trường tài chính Việt Nam, chỉ ra những thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từ đó đề xuất quan điểm, định hướng và các giải pháp nhằm phát triển bền vững thị trường tài chính.

Chủ động nâng sức cạnh tranh

Hội thảo đã tập trung trao đổi về những nội dung đang nổi cộm, như: Diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính Việt Nam năm 2016 và triển vọng năm 2017; vai trò, sự phát triển và mối quan hệ giữa các thị trường tiền tệ, chứng khoán, tín dụng ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế….

Toàn cảnh hội thảo

Thực tế, trong quá trình thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã và đang từng bước nới lỏng dần các quy định trong lĩnh vực tài chính, thực hiện các cam kết theo đúng lộ trình. Việc hạ thấp các rào cản gia nhập thị trường và cho phép chào bán các dịch vụ tài chính mới sẽ làm các chủ thể đầu tư cũng như chủng loại hàng hóa, kênh đầu tư trên thị trường tài chính ngày càng đa dạng hơn, tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn cho tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam hiện tại đang phải đối diện với những thách thức không nhỏ từ quá trình hội nhập quốc tế. Bởi hiện nay, diễn biến thị trường tài chính toàn cầu vẫn chưa đựng nhiều bất ổn khó lường khi các nền kinh tế phục hồi chậm, các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại, sự suy giảm của thị trường hàng hóa, sự co hẹp của thanh khoản toàn cầu trước lo ngại về việc dừng các biện pháp nới lỏng tiền tệ, dòng vốn đầu tư dịch chuyển khó lường…

Theo ông Jonathan Dunn, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam đang có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tương đối cao so với các quốc gia khác do hệ thống tài chính phụ thuộc nhiều vào ngành ngân hàng, trong khi lợi nhuận ngân hàng còn thấp. Nên IMF coi đây là tín hiệu “đèn vàng” mà Việt Nam cần hết sức chú ý.

Còn chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, nhìn nhận, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam nhìn chung không cao. Các ngân hàng đang áp dụng theo tiêu chuẩn Basel I nên CAR là 11%, nhưng nếu lên Basel II theo lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước đang đề ra, thì CAR giảm xuống còn 7,8-8%, vừa không đạt mức tối thiểu 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, vừa gây rủi ro bởi các ngân hàng hiện có vốn mỏng, tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) chỉ đạt mức 0,6%. Vì vậy, nếu tăng trưởng tín dụng quá nhanh, mà không có sự kiểm soát tốt sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng.

Do vậy, để tận dụng các cơ hội cũng như vượt qua những khó khăn, thách thức từ tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế, các chuyên gia khuyến nghị cần sớm có các giải pháp phát triển thị trường tài chính một cách đồng bộ, kịp thời, hài hòa từ tất cả các bên có liên quan tham gia trên thị trường tài chính nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các chủ thể nội địa trên thị trường tài chính Việt Nam trong môi trường kinh doanh mới ngày càng phức tạp.

Còn PGS. TS Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc ngân Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, sự phát triển của tổ chức tài chính trong thời gian qua là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, hiện tại đất nước đang bước vào hội nhập sâu, rộng với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới, thị trường tài chính cần chủ động trong hội nhập. Vì vậy, cần thực hiện tốt chủ trương của chính sách phát triển thị trường tài chính trong giai đoạn 2016-2020. Đó là, nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường tiền tệ mà thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng yêu cầu, đáp ứng phù hợp với cam kết quốc tế. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu để ổn định vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, từng bước giảm phụ thuộc và ngân hàng, hát triển tt bảo hiểm, mở cửa tt theo cam kết.

4 yêu cầu để có thị trường tài chính bền vững

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng nhấn mạnh, một thị trường tài chính bền vững khi bản thân phải có được khả năng tự tái tạo và cân bằng nếu có sự bất ổn, và không cần sự trợ giúp quá nhiều từ phía Chính phủ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, những yêu của một thị trường tài chính bền vững cần đảm bảo các yếu tố:

Thị trường tài chính Việt Nam cần chủ động để đón sóng hội nhập (ảnh minh họa: KT)

Thứ nhất, có dự trữ thanh khoản và dự trữ vốn lớn để chịu đựng những rủi ro và tổn thất.

Thứ hai, tính đa dạng về mô hình kinh doanh, cấu trúc sở hữu, quy mô, ngành nghề để giảm rủi ro trước các cú sốc và không lệ thuộc và bất cứ một ngành hay một lĩnh vực.

Thứ ba, định hướng phát triển dài hạn, trong đó có thể chế pháp lý tuân thủ các nguyên tắc thị trường, là nhân tố quyết định hướng thị trường phát triển.

Thứ tư, có hệ thống thông tin minh bạch, đáng tin cậy và hiêu quả.

Hiện tại, thị trường tài chính Việt Nam còn nhiều hạn chế và bất cập cần khắc phụ như: sự bất hợp lý, mất cân đối trong cấu trúc thị phần tài chính với khu vực ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn, với áp lực lớn, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP là 111%, trong khi thị trường chứng khoán, bảo hiểm chiếm thị phần nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tỷ lệ giá trị trái phiếu trên GDP là 22%, giá trị vốn hóa chứng khoán trên GDP là 27%, tổng doanh thu bảo hiểm trên GDP đạt khoảng 2%. Tại Việt Nam chưa có thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phái sinh theo đúng nghĩa, chính sự mất cân đối tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tính ổn định và hiệu quả của thị trường tài chính chưa cao, tính minh bạch tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Tính bền vững chưa thực sự vững chắc. Tính an toàn còn bị thách thức khi mạng lưới giám sát các khu vực thị trường tc còn phân tán. Giám sát an toàn vĩ mô và vi mô còn khiếm khuyết, khuyết thiếu, chưa thể kết nối, liên thông nhằm giám sát hiệu quả, giảm rủi ro cho hệ thống. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị Việt Nam cần lưu ý ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính ngân hàng./.