Gia hạn cho vay ngoại tệ sẽ giảm bớt nhu cầu USD trên thị trường hiện nay

Cụ thể, quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú. Với thông tư vừa ban hành này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định sẽ có hiệu lực từ 01/01/2017 và thực hiện đến hết ngày 31/12/2017.

Thực tế, với tăng trưởng tín dụng ngoại tệ mạnh mẽ từ tháng 6 đến nay, nếu theo quy định của thông tư 07 việc vay ngoại tệ sẽ kết thúc vào 31/12/106 thì nhu cầu ngoại tệ để trả nợ cho các tháng cuối năm là sẽ rất lớn. Được biết dư nợ tín dụng ngoại tệ đến tháng 9 đã tăng trưởng dương trở lại 5,44% so với đầu năm nay.

Do vậy, chính sách này sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh hoạt động sản xuất của nhóm này vẫn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng hạn hán, thiên tai và ô nhiễm tại biển Miền Trung trong năm nay đã tác động tiêu cực lên hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu. Khi nguồn cung trong nước sụt giảm dẫn đến chi phí nguyên vật liệu tăng lên đầu vào tăng lên, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường ngoại hối đang có nhiều áp lực, việc gia hạn cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đến hết năm 2017 được kỳ vọng là sẽ giảm bớt cầu ngoại tệ USD trên thị trường hiện nay.

Cũng trong một cuộc trả lời báo giới mới đây, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng khẳng định, chính sách điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước linh hoạt như hiện nay góp phần tích cực giữ thị trường tiền tệ khá tốt. Có thể thấy rõ, đầu năm, rất nhiều dự báo đưa ra rằng năm nay tỷ giá có thể phá giá 5%, nhưng đến thời điểm này mới mất giá gần 1%. Với tỷ giá của Việt Nam, trong ngắn hạn áp lực không quá lớn với những điểm tựa khá vững.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước quyết định gia hạn chính sách này, bởi vì trước đó vào các năm 2013, 2014, 2015 và 2016 đều đã gia hạn.

Bởi lẽ, trong những năm qua, áp lực tỷ giá lên cao là do nhu cầu ngoại tệ cuối năm thường tăng mạnh, một phần đến từ các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, phần khác đến từ chính các doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn ngoại tệ đầu năm để trang trải chi phí sản xuất và cuối năm đến hạn trả nợ, do các khoản vay ngoại tệ thường chỉ ngắn hạn từ 3 – 6 tháng./.