Sẽ có giải pháp để xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh Thanh tra giám sát phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện được toàn bộ các tổ chức tín dụng yếu kém. Việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đang được triển khai mạnh mẽ trên nguyên tắc đảm bảo thanh khoản, ổn định và phát triển hệ thống.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện và tham mưu, triển khai phương án tái cơ cấu để đảm bảo mục tiêu đặt ra. Dựa trên cơ sở đánh giá toàn bộ tình hình hoạt động của các ngân hàng yếu kém, mặc dù đã được cải thiện, nhất là vấn đề thanh khoản, không gây ra sự đổ vỡ và có tác động ảnh hưởng khủng hoảng đến hệ thống, song cần có giải pháp đột phá để xử lý dứt điểm tình hình của các ngân hàng này.

Thực tế, dựa trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu 5 năm 2016-2020. Trong đó, tập trung vào xử lý những vấn đề còn tồn tại của giai đoạn 2011-2015 mà chưa xử lý được, đặc biệt là về thể chế. Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng phương án cụ thể để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và 2 ngân hàng sau sáp nhập.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng các phương án cụ thể để xử lý ngân hàng yếu kém. Hiện nay, đối với các ngân hàng yếu kém, phương án đã được trình, Ngân hàng Nhà nước thừa ủy quyền của Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã có kết luận rất cụ thể và chi tiết việc xử lý đối với các ngân hàng này. Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn chỉnh phương án xử lý các ngân hàng trình Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước khi Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện vào đầu năm 2017.

Bên cạnh đó, việc xử lý các tổ chức tài chính phi ngân hàng gồm các công ty tài chính thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện một bước để tiến tới xử lý dứt điểm trong giai đoạn tiếp theo.

Cụ thể, với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị để xử lý dứt điểm những Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở mà không có khả năng phục hồi.

Tính đến ngày 30/11/2016, nợ xấu của hệ thống còn 2,46%, giảm so với cuối năm 2015. Các tổ chức tín dụng đã tập trung nguồn lực, sử dụng nguồn dự phòng để xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ. Số nợ xấu bán cho VAMC giảm so với 2015 do nợ xấu mới phát sinh năm 2016 thấp hơn các năm trước. Đây là hoạt động tích cực của các ngân hàng trong năm 2016.

Hoàn thiện và trình Đề án Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Việc thực hiện các bước tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Ngân hàng nhà nước trong năm 2016. Ngân hàng nhà nước đã kết nối công việc của các giai đoạn trước để có cái nhìn cũng như đánh giá chuẩn nhất.

Theo đó, đối với các ngân hàng được Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng trước đó, Ngân hàng nhà nước tiếp tục tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ các ngân hàng để có chỉ đạo điều hành cụ thể.

Bên cạnh đó, bà Hồng cũng cho biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rất quyết liệt chỉ đạo để thực hiện triển khai xử lý những ngân hàng 0 đồng này. Ngân hàng nhà nước đã phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trình Thủ tướng. Thủ tướng cũng đã trình đề án này lên Bộ Chính trị.

Theo bà Hồng, thông tin từ Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, chiều cùng ngày 04/01, Thường trực Chính phủ sẽ họp về Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020. Để đánh giá tổng kết quá trình tái cơ cấu giai đoạn vừa qua và đề xuất giải pháp tái cơ cấu 2016-2020 là một khối lượng công việc lớn mà Ngân hàng nhà nước đã và đang triển khai.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước vẫn quán triệt dù các giải pháp tái cơ cấu được phê duyệt hay chưa thì trong chỉ đạo điều hành của Ngân hàng nhà nước vẫn luôn phương châm chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thực hiện tái cơ cấu theo đúng phương châm đề ra tại Quyết định 254 của Thủ tướng phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015” và tái cơ cấu là một quá trình thường xuyên, liên tục, không chỉ của cả hệ thống mà với cả từng tổ chức tín dụng phải quản lý, giám sát, kiểm soát và xử lý rủi ro./.