Cụ thể, Quyết định nêu rõ, với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, về chỉ tiêu tín dụng vốn nước ngoài (ODA cho vay lại) năm 2017 là 9.112 tỷ đồng. Đối với tín dụng vốn trong nước, tăng trưởng tín dụng cho vay đầu tư so với năm 2016 là 1%; dư nợ bình quân tín dụng xuất khẩu 7.000 tỷ đồng.

Còn với Ngân hàng Chính sách xã hội, kế hoạch 2017 tăng trưởng dư nợ tín dụng so với năm 2016 là 8%.

Năm 2016, Ngân hàng Chính sách xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2016 thêm 2%, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2016 tăng từ 8% lên 10%.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra, giám sát và định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng chính sách xã hội năm 2017.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2017 được giao tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và tín dụng chính sách xã hội theo đúng mức vốn được giao; định kỳ hàng tháng, hàng quý báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và tín dụng chính sách xã hội năm 2017 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của VDB, năm 2016, ngân hàng này đã huy động được trên 35.500 tỷ đồng, trong đó có gần 21.500 tỷ đồng được huy động từ trái phiếu Chính phủ. Dư nợ tín dụng năm 2016 của VDB là 300.383 tỷ đồng, giảm 4,5% so với con số 314.549 tỷ đồng của năm 2015.

Trước đó, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước công bố hồi tháng 8/2016, tỷ lệ nợ xấu của VDB ở mức cao và tăng nhanh, tại thời điểm 31/12/2014 là 11,05%, tăng 68% so với năm 2013../.