7 “điểm nhấn” trong chính sách tiền tệ năm 2016

Trong năm qua, hệ thống ngân hàng đã đảm đương việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp và nền kinh tế khá trọn vẹn. Ngân hàng Nhà nước đã bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN, ngày 23/02/2016, Chỉ thị số 04/CT-NHNN, ngày 27/05/2016 chỉ đạo toàn ngành ngân hàng triển khai thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016.

Trong đó, xác định điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, mặt bằng lãi suất cơ bản, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%-18%, dư nợ tín dụng tăng 18%-20% và có điều chỉnh với diễn biến thực tế. Tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Năm 2017: Điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục linh hoạt và thận trọng

Nhìn lại năm 2016, có thể thấy 7 “điểm nhấn” trong điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, đó là:

(1) Ngân hàng Nhà nước điều hành cung tiền hợp lý tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất huy động, có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ việc phát hành thành công khối lượng lớn trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp, đồng thời hỗ trợ ổn định tỷ giá và đảm bảo kiểm soát lạm phát.

Các chỉ tiêu tiền tệ tăng đúng định hướng Ngân hàng Nhà nước đề ra từ đầu năm. Đến ngày 30/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 16,65%, huy động vốn tăng 18,39% so với cuối năm 2015. Lạm phát cơ bản được kiểm soát ổn định và cả năm đạt 1,87%, góp phần quan trọng trong việc thực hiện kiểm soát lạm phát CPI cả năm 4,74%, đạt mục tiêu dưới 5% của Quốc hội đề ra. Thanh khoản của hệ thống được đảm bảo và có dư thừa, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt.

Dự báo về năm 2017 thì kinh tế thế giới với nhiều diễn biến khó lường. Theo đó, việc điều hành chính sách tiền tệ cũng cần hết sức thận trọng. Ngân hàng Nhà nước đã định hướng một số chỉ tiêu, như: tổng phương tiện thanh toán tăng 16%-18%; tín dụng tăng 18%, có thể điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế; phấn đấu ổn định được mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn nếu điều kiện cho phép. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, linh hoạt để đảm bảo hài hòa mục tiêu khi phải kiểm soát lạm phát bình quân 4%, tăng trưởng kinh tế đặt ra mức cao hơn.

(2) Mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, một số tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng 0,2%-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm thì từ tháng 4 đã ổn định, đặc biệt giữa tháng 4 và từ cuối tháng 09/2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0,3%-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm khoảng 0,5%-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay hiện phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.

(3) Tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định trong bối cảnh chịu sức ép từ những biến động khó lường trên thị trường quốc tế. Từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước thực hiện công bố tỷ giá trung tâm biến động linh hoạt hàng ngày theo sát diễn biến thị trường trong, ngoài nước và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ đã giúp hạn chế các cú sốc bên ngoài và giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ, hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Trong điều hành, trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp ổn định thị trường. Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thị trường ngoại tệ trong nước diễn biến ổn định hơn so với mức độ biến động khá lớn của các nước trên thế giới và trong khu vực. So với đầu năm, tỷ giá VND/USD tăng khoảng 1,1%-1,2%, thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Tại một số thời điểm tỷ giá tăng do yếu tố tâm lý bởi biến động trên thị trường quốc tế như sự kiện Brexit, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, Fed tăng lãi suất, nhưng đã nhanh chóng ổn định trở lại. Tâm lý “găm giữ” ngoại tệ giảm, hệ thống tổ chức tín dụng mua ròng lượng lớn ngoại tệ từ nền kinh tế. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối của quốc gia.

(4) Diễn biến tín dụng và cơ cấu tín dụng phù hợp với chỉ tiêu và định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng hệ thống, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng, có cảnh báo và giám sát chặt chẽ tổ chức tín dụng có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đến ngày 29/12/2016, tín dụng tăng 18,71% so với cuối năm 2015. Cơ cấu tín dụng diễn biến tích cực theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, tập trung chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản chậm lại. Tín dụng VND tăng cao trong khi tín dụng ngoại tệ tăng thấp, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ.

Các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực, người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được hệ thống ngân hàng đẩy mạnh triển khai có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế.

(5) Với việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, thị trường vàng trong năm 2016 về cơ bản ổn định và tự điều tiết tốt. Vào những thời điểm thị trường vàng thế giới biến động mạnh, thị trường vàng trong nước vẫn đảm bảo tương đối ổn định. Sức hấp dẫn của vàng miếng suy giảm, doanh số mua, bán vàng đã giảm nhiều so với những năm trước. Thị trường vàng trong nước điều tiết tốt, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng chuyển thành tiền hoặc các tài sản khác để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

(6) Công tác thanh tra, giám sát và tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đạt được những kết quả tích cực. Năm 2016, công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng tiếp tục được tăng cường, đổi mới và chất lượng, hiệu quả và hiệu lực được nâng cao, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc thực thi chính sách tiền tệ và tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Hoạt động của các tổ chức tín dụng có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng trên nhiều mặt về quy mô vốn huy động tài sản, dư nợ tín dụng cho nền kinh tế, an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng được duy trì bền vững, năng lực tài chính của tổ chức tín dụng tiếp tục được cải thiện. Các ngân hàng yếu kém được kiểm soát, tái cơ cấu, giám sát chặt chẽ hoạt động; các tồn tại, yếu kém tiếp tục được chấn chỉnh, xử lý. Nợ xấu được giữ ổn định ở mức dưới 3%, đến ngày 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu ước tính còn khoảng 2,46%.

(7) Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và công nghệ, dịch vụ ngân hàng tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngân hàng Nhà nước đã chủ động theo dõi, giám sát và kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức tín dụng về các vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được phát triển mạnh và đa dạng với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng.

Bên cạnh các giải pháp trên, các mặt hoạt động ngân hàng khác tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt và có hiệu quả phục vụ đắc lực cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu đề ra từ đầu năm 2016.

Điều hành chính sách tiền tệ năm 2017 hết sức thận trọng

Dự báo về năm 2017 thì kinh tế thế giới với nhiều diễn biến khó lường. Theo đó, việc điều hành chính sách tiền tệ cũng cần hết sức thận trọng. Ngân hàng Nhà nước đã định hướng một số chỉ tiêu, như: tổng phương tiện thanh toán tăng 16%-18%; tín dụng tăng 18%, có thể điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế; phấn đấu ổn định được mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn nếu điều kiện cho phép.

Năm 2016, điều hành chính sách tiền tệ có nhiều điểm sáng, bước sang năm 2017, công tác điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục theo hướng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, linh hoạt để đảm bảo hài hòa mục tiêu khi phải kiểm soát lạm phát bình quân 4%, tăng trưởng kinh tế đặt ra mức cao hơn. Trong đó, tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng thống kê, phân tích, dự báo để kịp thời tham mưu, chủ động đề xuất các giải pháp điều hành phù hợp.

Hai là, điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ với liều lượng và thời điểm hợp lý, phản ứng nhanh nhạy, phù hợp với diễn biến thị trường; phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất, khi điều kiện cho phép sẽ giảm lãi suất cho vay đối với một số đối tượng và kỳ hạn cụ thể; tiếp tục ổn định thị trường ngoại hối, thị trường vàng.

Ba là, điều hành tín dụng theo hướng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát cơ cấu tín dụng phù hợp với chủ trương chống đô la hóa; tăng cường giám sát, cảnh báo đối với tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro; thực hiện các giải pháp tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi có điều kiện nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.

Bốn là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa cũng như với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.

Năm là, thực hiện tốt công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để truyền thông về điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng như điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước để doanh nghiệp và người dân hiểu, qua đó tạo niềm tin và giữ ổn định thị trường./.

Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 02+03/2017