Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi, được quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012, với quy định tăng hạn mức bảo hiểm cho người gửi tiền từ 50 triệu đồng lên thành 75 triệu đồng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã có cuộc phỏng vấn ngắn với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo xung quanh đề xuất này.

Tăng hạn mức là cần thiết

- Thưa ông, ông bình luận gì về việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi tại ngân hàng từ mức 50 triệu lên 75 triệu?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất tăng hạn mức bảo đảm tiền gửi từ 50 triệu lên 75 triệu là điều rất đáng hoan nghênh. Vì trong 12 năm qua, mức bảo hiểm tiền gửi chỉ giữ nguyên ở 50 triệu, trong khi đó nền kinh tế Việt Nam thay đổi và phát triển, số lượng người gửi tiền, số tiền gửi vào ngân hàng tăng cao, cơ cấu vốn huy động cũng thay đổi trong suốt 12 năm qua.

- Sau 12 năm mức bảo hiểm tiền gửi tại ngân hàng được đề xuất tăng lên gấp rưỡi, vậy mức đề xuất này liệu có hợp lý không, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng hạn mức tiền gửi nâng lên thành 75 triệu là không phù hợp, mà cần nâng lên mức cao hơn.

- Vậy ông dựa vào đâu để đánh giá rằng hạn mức tiền gửi mà Ngân hàng Nhà nước đề xuất là chưa phù hợp, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Bản thân tôi cho rằng đề xuất này chưa phù hợp, bởi tôi nhìn nhận ở 3 khía cạnh là người gửi tiền, hệ thống các ngân hàng và từ góc độ cơ quan quản lý.

- Xin ông có thể phân tích kỹ hơn?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trên thế giới, có nhiều công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia các nước khác họ dựa vào GDP. Chẳng hạn như Mỹ, GDP của họ khoảng 40.000-50.000 USD/năm, và hạn mức tiền gửi là 250.000 USD/năm. Như vậy khi lấy 250.000/50.000 thu nhập bình quân thì số lần hạn mức tiền gửi/GDP/đầu người khoảng 5 lần. Đây là yếu tố quan trọng, vì người dân càng có thu nhập cao, càng có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng.

Thứ nhất, ở góc độ người gửi tiền Việt Nam, rõ ràng trong 12 năm vừa qua, thu nhập bình quân của người Việt tăng cao. Người dân gửi tiền nhiều hơn vào ngân hàng và mong nhận được sự bảo vệ của Công ty bảo hiểm Quốc gia. Hiện nay, ước tính bình quân thu nhập người Việt Nam khoảng 2.000 USD/người/năm, tương đương với 45 triệu/người/năm, nếu nhân gấp 5 lần thì hạn mức tiền gửi phải là 225 triệu. Tuy nhiên xét trong điều kiện hiện nay chỉ cần nâng lên hạn mức 200 triệu đồng.

Bên cạnh đó, số tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng thay đổi nhiều, cơ cấu khách hàng huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng cũng thay đổi. Các cơ quan quản lý cần tính toán kỹ, nếu tăng bảo hiểm tiền gửi ở mức hiện tại 50 triệu lên 75 triệu thì sẽ “phủ sóng” bao nhiêu % khách hàng. Từ 3 yếu tố là GDP đầu người, cơ cấu khách hàng huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng, và tại bất cứ hạn mức nào đó, thì bao nhiều % khách hàng được bao phủ bởi hạn mức đó, cần mẫu mực nào đó để phủ sóng phần lớn các khách hàng, đặc biệt là những khách hàng là đại bộ dân chúng tại Việt Nam.

Thứ hai là xét ở phía ngân hàng. Hiện tại, các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước bảo vệ, không cho ngân hàng phá sản, nên việc tăng hạn mức tiền gửi hiện tại cũng chưa được khẩn trương và nhiều người quan tâm. Điển hình là qua câu chuyện của 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng, sau khi mua lại, Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành 3 ngân hàng này và các khách hàng của ba ngân hàng đó không bị mất tiền.

Chính vì vậy, đối với các ngân hàng, việc tăng hạn mức tiền gửi từ 50 triệu lên 75 triệu hiện chưa phải là vấn đề cần quan tâm.

Cần xây dựng hạn mức bảo hiểm tiền gửi phù hợp để tạo sự tin tưởng của ngân hàng và khách hàng

Thứ ba là ở góc độ nhà quản lý, Ngân hàng Nhà nước, việc ngân hàng đề xuất nâng hạn mức bảo hiểm là cần thiết, vì hạn mức 50 triệu trong suốt 12 năm qua đã không còn hợp lý khi so với sự phát triển của nền kinh tế, cơ cấu khách hàng gửi tiền vào ngân hàng và mức thu nhập của người dân. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, thì mức tăng lên 75 triệu là chưa hợp lý, vì thu nhập người dân cao hơn trước đây rất nhiều.

Nâng hạn mức tiền gửi để phục vụ kịch bản sẽ cho các ngân hàng yếu kém phá sản

- Như ông vừa chia sẻ, hiện tại cả khách hàng lẫn ngân hàng đều chưa quan tâm nhiều đến hạn mức bảo hiểm tiền gửi. Vậy theo ông, khi nào thì hạn mức bảo hiểm tiền gửi mới khiến cả hai nhóm đối tượng này quan tâm?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thực tế cả hai nhóm đối tượng trên hiện chưa quan tâm đến vấn đề này là bởi trong lịch sử chưa có tiền lệ ngân hàng phá sản. Chính vì vậy, trong tương lại, nếu để cho ngân hàng hoạt động theo đúng cơ chế thị trường, cho phép các ngân hàng phá sản, thì chắc chắn hai nhóm đối tượng này sẽ không thể “bình chân” như hiện tại.

- Theo ông, Ngân hàng Nhà nước đề xuất tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi như hiện nay là tín hiệu gì?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trong tương lai sẽ có thời điểm Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng yếu kém phá sản. Tôi đồ rằng, hạn mức tiền gửi được nâng lên như đề xuất là để phục vụ kịch bản trong tương lai sẽ cho các ngân hàng yếu kém phá sản.

- Thưa ông, rõ ràng trong hệ thống ngân hàng hiện nay, có những ngân hàng “sống khỏe” nhưng cũng không ít ngân hàng yếu kém. Vậy ông có bình luận gì về mức đóng lệ phí cho bảo hiểm tiền gửi hiện tại của ngành ngân hàng?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đây đúng là vấn đề đáng quan tâm. Hiện tại, phí bảo hiểm tiền gửi là số % nào đó/1 đồng tiền gửi của khách hàng. Lệ phí này áp dụng cào bằng cho các ngân hàng. Thực tế đó là điều không công bằng giữa các ngân hàng, nhiều ngân hàng khỏe, mạnh, ổn định, và cũng có những ngân hàng yếu kém, nhiều rủi ro.

Trong tương lai, nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng yếu kém phá sản, thì những ngân hàng mạnh, trụ được sau khủng hoảng, biến động thì họ xứng đáng được trả lệ phí thấp hơn. Ngược lại, những ngân hàng yếu kém, nhiều rủi ro thì phải chịu lệ phí cao hơn.

Cẩn trọng, tránh phản tác dụng

- Theo ông, nếu cho phép ngân hàng yếu kém phá sản thì ai sẽ là đơn vị đứng ra bồi thường cho khách hàng?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi đồ rằng, có thể là Công ty bảo hiểm tiền gửi Quốc gia. Công ty này sẽ là người bồi thường cho khách hàng, là người đứng mũi chịu sào, chứ không phải Ngân hàng Nhà nước. Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước chỉ là cơ quan quản lý các ngân hàng, không có nhiệm vụ bồi thường cho ngân hàng nào cả.

- Thực tế, thời gian qua vai trò của Công ty bảo hiểm tiền gửi Quốc gia khá mờ nhạt, theo ông cần làm gì để họ phát huy chức năng của mình?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trong tương lai, khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng yếu kém phá sản thì chức năng của Công ty bảo hiểm tiền gửi Quốc gia cần được tăng cường. Nghĩa là chức năng của Công ty bảo hiểm tiền gửi Quốc gia phải bao gồm chức năng trên thực tế chứ không chỉ trên giấy tờ và luật pháp, mà cần tăng cường thêm giám sát và thanh tra các ngân hàng.

Thực tế, việc đề xuất tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi là tăng rủi ro cho Công ty bảo hiểm tiền gửi Quốc gia. Do đó, họ phải được giám sát các ngân hàng, định vị các ngân hàng ở vị thế nào, sức khỏe tài chính ra sao để đánh giá, đề xuất các biện pháp để ngăn ngừa phá sản. Đồng thời có thể chia các ngân hàng dưới nhiều cấp bậc rủi ro khác nhau để áp mức phí phù hợp.

- Quay lại với vấn đề nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi, theo ông, khi mức bảo hiểm thấp như vậy có khiến người dân “quay lưng” lại với việc gửi tiền không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tại thời điểm này thì tôi nghĩ là không, hiện tại chưa có ngân hàng nào phá sản, và Công ty bảo hiểm tiền gửi Quốc gia cũng chưa phải bồi thường tiền gửi cho bất kỳ khách hàng nào. Còn trong tương lai, khi các ngân hàng được phép phá sản thì bấy giờ việc bồi thường của Công ty bảo hiểm tiền gửi Quốc gia mới trở thành vấn đề. Lúc đó, nếu hạn mức thấp quá thì khó tạo ra sự tin tưởng của dân chúng, do đó, cần có hạn mức thích hợp, tạo được sự tin tưởng của người dân đối với hệ thống ngân hàng.

- Giả định khi người dân được bồi thường bảo hiểm quá thấp, quyền lợi không được đảm bảo thì kịch bản nào sẽ xảy ra với hệ thống ngân hàng, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trong tương lại, nếu hạn mức tiền gửi thấp như vậy, có thể người dân sẽ có những cách đối phó riêng với việc đó. Bản thân họ có thể chia nhỏ tiền gửi tại nhiều ngân hàng, vì mỗi ngân hàng sẽ được nhận 75 triệu. Điều đó không có lợi cho ngân hàng khi số tiền cứ chia nhỏ và gửi ở nhiều nơi.

Bên cạnh đó, với những khách hàng thân thiết của ngân hàng, họ gửi số tiền lớn mà chỉ được bảo hiểm trả 75 triệu. Trong trường hợp ngân hàng đó sập tiệm, họ phải chờ ngân hàng thanh lý và nhiều công đoạn mới được nhận tiền bảo hiểm. Điều này sẽ khiến khách hàng đắn đo việc có nên tiếp tục gửi tiền ở ngân hàng đó hay không. Chưa kể sẽ kéo theo trường hợp nhiều khách hàng sẽ rút tiền ở ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác hoặc thậm chí là hạn chế gửi tiền vào ngân hàng, mà chuyển sang kênh đầu tư, tích trữ khác.

Chính vì vậy, cần xây dựng hạn mức tiền gửi phù hợp để tạo sự tin tưởng của ngân hàng và khách hàng. Nếu không, nó sẽ có tác dụng ngược lại.

-Xin cảm ơn ông !./.