Đạt 98,3% kế hoạch

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, thị trường trái phiếu năm 2016 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành đạt 281.750 tỷ đồng tương đương 98,3% kế hoạch phát hành năm, với 91% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên (vượt mục tiêu do Quốc hội đề ra là 70% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên); đồng thời lần đầu tiên phát hành thành công trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tập trung 5 nhóm giải pháp phát triển thị trường trái phiếu năm 2017

Sau khi thực hiện tái cơ cấu, danh mục nợ chính phủ đã có sự cải thiện rõ rệt cả về quy mô, kỳ hạn và chi phí huy động. Bên cạnh đó, cơ sở nhà đầu tư đã có sự thay đổi tích cực theo hướng tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các nhà đầu tư dài hạn như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tiền gửi, doanh nghiệp bảo hiểm.

Trên thị trường thứ cấp, khối lượng giao dịch trái phiếu tăng mạnh so với năm 2015, bình quân phiên đạt 6.285 tỷ đồng tăng 72% so với năm 2015, giúp thanh khoản thị trường tăng đáng kể.

Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính: Khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành đạt 281.750 tỷ đồng tương đương 98,3% kế hoạch phát hành năm với 91% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên (vượt mục tiêu do Quốc hội đề ra là 70% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên); đồng thời lần đầu tiên phát hành thành công trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm cho nhà đầu tư nước ngoài.

Kênh phát hành trái phiếu chính phủ bảo lãnh và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2016 về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu huy động vốn của các Ngân hàng chính sách để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các dự án đầu tư quan trọng, cấp bách thuộc nhiệm vụ chi của địa phương.

Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 129.636 tỷ đồng, tăng 203,1% so với năm 2015. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng bước trở thành kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh.

Thực tế, dù thị trường trái phiếu đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng về cơ bản quy mô còn nhỏ, chỉ chiếm 36,9% GDP; thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển (đến hết năm 2016 chỉ chiếm 5,27% GDP), các doanh nghiệp vẫn chủ yếu huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng.

Tập trung 5 giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu

Cũng theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới sẽ tập trung vào 5 giải pháp nhằm phát triển thị trường trái phiếu ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động... Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về khung khổ chính sách, sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ thể huy động vốn qua thị trường trái phiếu, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư dài hạn, tăng cường công khai minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu.

Dự kiến năm 2017, Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến 2030 với đầy đủ các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu; trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu, tăng cường minh bạch hóa và công khai thông tin trong quá trình huy động vốn.

Ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí tự nguyện để thúc đẩy sự ra đời của hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam. Ban hành Thông tư mua lại trái phiếu chính phủ để thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ.

Đánh giá quá trình triển khai Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05/01/2011 về phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

Thứ hai, về cung cho thị trường: Phát triển thị trường trái phiếu chính phủ trở thành thị trường chuẩn cho thị trường tài chính, làm nòng cốt để phát triển thị trường trái phiếu. Đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu chính phủ để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tiếp tục phát hành kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm nhằm kéo dài kỳ hạn của danh mục nợ Chính phủ theo hướng bền vững;nghiên cứu triển khai sản phẩm mới như trái phiếu có lãi suất thả nổi.

Thứ ba, về cầu của thị trường: Đa dạng hóa các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, tập trung phát triển nhà đầu tư dài hạn để tạo cầu bền vững thông qua các giải pháp đổi mới cơ chế đầu tư của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên thị trường trái phiếu theo quy định tại Nghị định 30/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện; khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ tăng tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu. Xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu.

Thứ tư, về phát triển các định chế trung gian và hạ tầng của thị trường:Thực hiện hoàn thiện và phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường theo thông lệ quốc tế để thực hiện chức năng tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Tái cơ cấu các tổ chức trung gian hoạt động trên thị trường vốn, thị trường trái phiếu nhằm tăng năng lực tài chính và chất lượng hoạt động của các định chế này khi cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu.

Khuyến khích sự hình thành và đi vào hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm để nâng cao tính công khai, minh bạch của quá trình huy động vốn trái phiếu.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng và công nghệ của thị trường trái phiếu theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát hành, giao dịch trái phiếu. Nghiên cứu xây dựng hệ thống công bố thông tin về phát hành, giao dịch đối với trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các thành viên thị trường và Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam.

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tạo sự liên kết giữa thị trường trái phiếu trong nước với thị trường trái phiếu khu vực và thế giới nhằm tận dụng các cơ hội và tiềm năng để phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam theo thông lệ quốc tế. Thị trường trái phiếu năm 2016 đạt được kết quả rất tích cực./.