Làn sóng “siêu lãi suất”

Mở đầu cho cuộc đua tăng lãi suất chứng chỉ tiền gửi phải kể đến gói sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dài hạn của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Tại đây, khách hàng tham gia chứng chỉ với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng kỳ hạn 5 năm +1 ngày sẽ nhận lãi suất lên đến 8,48%/năm, còn kỳ hạn 7 năm thì sẽ hưởng lãi 8,88%/năm cho năm đầu tiên.

Hay tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), ngân hàng này phát hành chứng chỉ trung hạn (18 tháng, 24, tháng, 36 tháng và 60 tháng) chỉ yêu cầu khách hàng mua chứng chỉ với mệnh giá từ 1 triệu đồng và bội số của 100.000 đồng, với mức lãi suất lên đến 8,8%/năm.

VietABank cho biết bắt đầu triển khai đợt huy động mới qua phát hành chứng chỉ tiền gửi, với hướng cạnh tranh về cơ cấu kỳ hạn. Theo đó, mức lãi suất cao nhất thấp hơn với 8,2%/năm nhưng hướng cạnh tranh lại thể hiện rõ ở các kỳ hạn ngắn hơn rất nhiều. Cụ thể, ngân hàng này tập trung ở các kỳ hạn 6, 9, 13, 15 và 18 tháng. Mức lãi suất 8,2%/năm cùng cơ cấu kỳ hạn ngắn của VietABank là cạnh tranh mới trên thị trường thời điểm này, so với lãi suất tiết kiệm VND truyền thống.

Ngoài việc tăng lãi suất từ chứng chỉ tiền gửi dài hạn, các ngân hàng cũng nâng lãi suất huy động trong kỳ hạn ngắn. Hiện tại, Ngân hàng Đông Á và SCB đang là hai ngân hàng áp dụng mức lãi suất cạnh tranh nhất đối với huy động ngắn hạn (từ 1-4 tháng) là 5,4%-5,5%/năm. Mức lãi suất cao nhất cho huy động kỳ hạn 6-9 tháng là 6,9%/ năm tại SCB.

Các ngân hàng đang đua nhau tăng lãi suất chứng chỉ tiền gửi

Đi tìm nguyên nhân

Lý giải về xu hướng phát hành chứng chỉ tiền gửi, một số ngân hàng cho rằng cùng với việc đầu tư thông qua tài khoản tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi đang trở thành một trong những kênh đầu tư ưa thích của các khách hàng tổ chức và cá nhân có nguồn tài chính lớn muốn đầu tư trung và dài hạn, với nhu cầu an toàn và linh hoạt trong sử dụng vốn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng loạt ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi xuất phát từ yêu cầu cơ cấu lại nguồn vốn huy động để bổ sung vốn cho vay, vì từ năm 2017 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm về mức 50% và sẽ tiếp tục giảm về mức 40% trong năm 2018.

Bên cạnh đó, phát hành chứng chỉ tiền gửi còn nhằm mục đích tăng tỷ lệ an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio – CAR). Hiện nay nhiều ngân hàng đang hướng đến mục tiêu tuân thủ Basel II - Hiệp ước đặc biệt chú trọng tới tỷ lệ an toàn vốn. Theo đó, mức quy định tỷ lệ này hiện là 9%. Mặc dù theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước năm 2016 hệ số CAR của ngân hàng Việt Nam nằm trong mức quy định (ở mức 9,92%-11,8%), nhưng nhiều chuyên gia nhận định Hệ số CAR hiện nay chưa hoàn toàn phản ánh đúng thực trạng năng lực tài chính của các ngân hàng Việt Nam và con số này còn giảm nữa khi áp dụng theo tiêu chuẩn Basel II. Lý do được đưa ra là khi triển khai Basel II thì các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro hơn nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn, vốn chủ sở hữu bị đẩy xuống, khả năng hệ số CAR có thể bị sụt giảm đi. Do vậy, để đạt được tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn, không cách gì khác là các ngân hàng phải tăng vốn.

Ngoài ra, theo lý giải của giới chuyên gia, hút vốn qua phát hành chứng chỉ tiền gửi dù phải trả lãi suất cao hơn so với phương thức tiết kiệm thông thường nhưng nó sẽ giúp ngân hàng yên tâm hơn trong kế hoạch sử dụng nguồn vốn vì người mua không được thanh toán trước hạn. Mặc dù trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, các ngân hàng đã linh hoạt hơn khi cho phép khách hàng có thể tự do chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi với ngân hàng bất cứ lúc nào. Nhưng nều khách không muốn bị chiết khấu khi chuyển nhượng (ngân hàng sẽ thu phí khi chuyển nhượng trước hạn) thì người mua phải cầm cố lại chứng chỉ để vay vốn của ngân hàng. Đây cũng vẫn là một cách “cầm đằng chuôi” của các ngân hàng với nguồn vốn đã huy động thông qua kênh chứng chỉ tiền gửi.

Một số lưu ý

Trả lờ báo chí, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng,dù lãi suất các chứng chỉ tiền gửi đều cao hơn lãi suất tiết kiệm thông thường, nhưng theo người mua cũng cần phải tính toán kỹ, chỉ nên mua khi có nguồn vốn nhàn rỗi dài hạn. Bởi, chứng chỉ tiền gửi không cho phép rút trước hạn mà chỉ có thể cầm cố, chuyển nhượng... “Ví dụ như chứng chỉ tiền gửi có thời hạn là 5 năm thì trong 5 năm đó, người mua chứng chỉ tiền gửi cần tiền thì có thể cầm số chứng chỉ đó vay vốn ngân hàng hoặc chuyển nhượng cho người khác, chứ không được rút vốn trước hạn.

Trong khi đó, phân tích về góc độ hiệu quả đầu tư, TS.Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng, mức lãi suất 8,8%/năm là cao nhưng với thời hạn 7 năm thì cần phải xem xét. Nếu tính kỹ, mức lãi suất này không có gì là hấp dẫn. Bởi lẽ, 7 năm là thời gian rất dài, nếu tính mốc 2017 thì đến năm 2024 mới đến hạn. Nếu tính lạm phát ở mức 4%-5%/năm thì 7 năm cũng đã mất tới 30%-35%. Khi đó lãi suất đã thay đổi trong khi lãi suất chứng chỉ này vẫn chỉ hơn 8%.

Ngoài ra, trên bình diện thị trường, nhiều ý kiến lo ngại cuộc đua huy động vốn cùng với hình thức chứng chỉ tiền gửi đang nở rộ sẽ tiếp tục làm cho bài toán lãi suất nóng lên. Hiện theo Thông tư 39/2017, lãi suất cho vay trung, dài hạn đã được cởi trói và thực hiện theo cơ chế lãi suất thỏa thuận. Vì vậy, diễn biến này cũng làm tăng lo ngại lãi suất vay trung và dài hạn sẽ tăng trong thời gian tới./.

Nguồn tham khảo:

http://enternews.vn/cuoc-dua-lai-suat-sieu-hap-dan-nguoi-gui-tien-huong-loi.html

http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/bi-von-trung-han-cac-ngan-hang-vao-cuoc-dua-chung-chi-tien-gui-59124.html