Tỷ giá USD/VND tiếp tục chuỗi ngày giảm

Mặc dù tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước tăng lên mức 22.256 VND/USD, nhưng tuần qua nhiều ngân hàng vẫn điều chỉnh giảm tỷ giá USD/VND. Cụ thể, theo báo giá của Eximbank ngày 24/3, giá USD được Ngân hàng điều chỉnh giảm 10 VND, xuống mức 22.720 VND (mua vào) - 22.820 VND (bán ra) so ngày 23/3.

Tương tự, tại ACB, giá USD ngày 24/3 được ngân hàng này niêm yết giao dịch ở mức 22.750 VND - 22.810 VND, tức giảm 10 VND và 20 VND mỗi chiều. Tại Sacombank, giá USD ngày 24/3 được giao dịch ở mức 22.750 VND -22.820 VND, thấp hơn hôm trước 10 VND; giá USD tại Vietbank giảm 10 VND, xuống 22.700 VND - 22.820 VND...

Giá USD tại các ngân hàng tiếp tục đi xuống cho thấy sức cầu trên thị trường không quá cao trong khi nguồn cung dồi dào. Trong khi đó, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm của VND với USD, áp dụng cho ngày 24/3 là 1 USD=22.256 VND, tăng 3 VND so với ngày 23/3.

Giá USD tại các ngân hàng tiếp tục đi xuống cho thấy sức cầu trên thị trường không quá cao

“Nóng” cuộc đua huy động vốn giữa các ngân hàng

Tuần qua, biểu lãi suất huy động ở nhiều tổ chức tín dụng đã liên tục được cập nhật cao thêm. Có nơi lên tới 9,2%/năm - một kỷ lục mới sau nhiều năm trầm lắng và dư thừa thanh khoản của thị trường.

Điển hình như tại VPBank, thay vì lãi suất 7,5-7,9%/năm áp dụng từ ngày 11/1, từ ngày 9/3 Ngân hàng đã tung ra một mức lãi suất cao chưa từng có trong mấy năm qua: 9,2%/năm áp dụng cho khách hàng cá nhân lĩnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn 60 tháng với số tiền trên 5 tỷ đồng. Các lãi suất khác cũng ở mức từ 7,5%-9,1%/năm.

Tương tự, hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã tăng mạnh lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn, nhất là các kỳ hạn dài ngày. Sacombank tung ra chương trình huy động lãi suất 8,88%/năm với chứng chỉ tiền gửi 7 năm và 8,48% đối với kỳ hạn 5 năm một ngày.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng tính huy động cả ngàn tỷ đồng cho nhiều kỳ hạn với với lãi suất lên tới 8,8%/năm. Gần đây, Eximbank cũng huy động tiền gửi lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng với lãi suất cuối kỳ 8%/năm.

Đáng chú ý, tuần qua các ngân hàng đẩy mạnh triển khai việc huy động bằng chứng chỉ tiền gửi, nhằm huy động vốn trung dài hạn 18 - 60 tháng. Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi sẽ theo hạn mức và theo đợt trong 1 thời gian nhất định được các ngân hàng quyết định trong từng thời kỳ và báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Biểu hiện căng thẳng trên thị trường lãi suất, theo lý giải của nhiều chuyên gia, phần lớn đến từ tác động tâm lý sau diễn biến điều chỉnh lãi suất đồng USD tăng thêm 0,25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đó, trong vòng 3 tháng trở lại đây, FED đã tăng lãi suất 2 lần, thêm tổng cộng 0,5%, lên đạt mức 0,75-1%. Bởi về mặt lý thuyết, khi lãi suất tiền gửi của Mỹ tăng lên thì sẽ kích thích một nguồn tiền gửi lớn từ các nước khác, trong đó Việt Nam trở về các ngân hàng Mỹ để hưởng lãi suất.

Thị trường chứng khoán chinh phục đỉnh cao 720 điểm

Đáng chú ý nhất trong tuần là sự kiện ngày 23/3VN-Index đạt chỉ số tiến tới gần 720 điểm - đang được xem là ngưỡng cản tâm lý cực kỳ quan trọng. Nguyên nhân đầu tiên là rất nhiều báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đều chỉ ra ngưỡng kháng cự này và cho rằng đó là ngưỡng rất cứng. Thứ hai là từ giữa tháng 2/2017 đến nay, có ít nhất 6 phiên Vn-Index va chạm vào gần ngưỡng này và điều chỉnh. Thứ ba, thanh khoản liên tục rất cao những ngày qua mỗi khi VN-Index tiến sát 720 điểm khiến nhà đầu tư cho rằng có lực xả mạnh quanh mức này. Kết thúc tuần, VN-Index lên đứng tại 722,14 điểm, đây cũng là mức đỉnh cao nhất trong gần 10 năm qua, đồng thời, cũng ghi nhận tuần tăng điểm đầu tiên sau 3 tuần liên tiếp giảm điểm trước đó.

Tại Hà Nội, HNX-Index kết tuần ở mức 91,37 điểm, tăng 1,64%. Trong khi đó, dòng tiền suy giảm khá nhiều đã không thể giúp UPCoM-Index có diễn biến khả quan khi mất -0,24% giá trị.

Thanh khoản thị trường đạt mức 5,353.86 tỷ đồng/phiên, cao hơn 13,01% so với tuần trước, ghi nhận mức tăng trong 4 tuần liên tiếp, đồng thời đây cũng là giá trị cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong tuần, nhóm cổ phiếu Ngân hàng tiếp tục cùng với một vài cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VNM, MSN, ROS, FPT, KDC… đang dần thay thế vai trò đầu tàu vốn thuộc về nhóm cổ phiếu thép (HPG, HSG,…) hay xây dựng (CTD, HBC…) trong một thời gian dài trước đó.

Điển hình, cổ phiếu ACB đã đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm nhẹ và 1 phiên đứng giá. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB tăng 2.100 đồng/cổ phiếu (+8,97%) từ mức 23.400 đồng/cổ phiếu lên 25.500 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, tuần qua cổ phiếu MBB có 3 phiên tăng và 2 đứng giá tham chiếu. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MBB tăng 1.150 đồng/ cổ phiếu (+7,93%) từ mức 14.500 đồng/cổ phiếu lên 15.650 đồng/cổ phiếu.

Ở nhóm vốn hóa thấp hơn, sự đi lên mạnh mẽ của bộ đôi HAG, HNG hay STB cũng đang đem lại niềm vui cho nhà đầu tư đã mạo hiểm mua vào các cổ phiếu này ở vùng giá thấp khi tình hình tài chính còn tương đối khó khăn./.

Nguồn tham khảo:

1. http://vietstock.vn/2017/03/nhip-dap-thi-truong-2403-chinh-phuc-thanh-cong-720-diem-1636-524503.htm

2. http://dantri.com.vn/kinh-doanh/ty-gia-usd-vnd-noi-dai-chuoi-ngay-giam-20170324181558136.htm

3. http://viettimes.vn/thanh-khoan-eo-hep-nhnn-lien-tiep-bom-rong-27-nghin-ty-dong-vao-thi-truong-114811.html