Tối ngày 29/3/2017, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã tổ chức phiên họp thường kỳ quý I/2017. Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp

Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ đã đi đúng hướng

Đánh giá về công tác điều hành của Chính phủ, tại cuộc họp các thành viên Hội đồng đánh giá các chính sách vĩ mô tài khóa, tiền tệ và sự phối hợp hai chính sách này từ đầu năm đã đi đúng hướng. Do đó, các áp lực từ thị trường quốc tế tới điều hành trong nước cơ bản ổn định, không gây ra biến động mạnh.

Các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ tiếp tục phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và kiên trì điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ từ đầu năm, đồng thời phản ứng kịp thời với các thay đổi chính sách từ bên ngoài.

Đối với chính sách tài khóa, các thành viên Hội đồng đề nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục rà soát lại các quy định Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng để dỡ bỏ các rào cản trong giải ngân vốn này.

Liên quan tới chính sách tiền tệ, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phấn đấu tiếp tục giữ ổn định lãi suất, tỷ giá khi vẫn còn dư địa. Các chuyên gia đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giám sát một số hiện tượng có biểu hiện không lành mạnh trong huy động vốn như “lách” chi trả lãi suất USD qua chứng chỉ tiền gửi.

Trong kiểm soát lạm phát, các chuyên gia cho rằng lạm phát bình quân có xu hướng giảm dần, qua đó đề nghị Chính phủ tiếp tục giám sát và điều chỉnh giá dịch vụ công, trong đó lưu ý việc điều chỉnh giá điện trên tinh thần minh bạch các thông số đầu vào, tiết giảm chi phí với mức độ cao nhất, kể cả chi phí về lao động, giảm thấp nhất hao tổn điện năng, cơ cấu lại nguồn điện cho phù hợp.

Phát biểu tại cuộc họp, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong năm 2016 và 2017 có áp lực tăng lạm phát từ nhân tố chi phí đẩy do giá cả hàng hóa thế giới tăng và trong nước thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng.

Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động đánh giá tác động, áp lực tăng lạm phát và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để chủ động điều hành kiểm soát lạm phát phù hợp với diễn biến vĩ mô của nền kinh tế.

Thời gian qua, do lãi suất đồng USD tăng và nhu cầu về vốn của nền kinh tế tăng (khác với các năm trước, năm 2017 tín dụng có mức tăng trưởng ngay từ đầu năm) đã gây ra áp lực tăng lãi suất.

“Vừa qua, một vài ngân hàng tăng lãi suất, nhưng chủ yếu tăng lãi suất huy động với kỳ hạn dài và đó chỉ là hiện tượng cục bộ, trong khi đó một số ngân hàng giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn”, Thống đốc chỉ rõ.

Do vậy, nhìn chung lãi suất huy động không có biến động lớn và thời gian tới Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ tình hình để tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh.

Về điều hành tỷ giá, Thống đốc cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước theo dõi rất sát tình hình thế giới và chủ động điều tiết thanh khoản của hệ thống ngân hàng để không gây áp lực tăng lãi suất và tăng tỷ giá. Việc điều hành chủ động, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước có tác dụng điều tiết, giảm thiểu mức độ tác động từ bên ngoài, hạn chế áp lực tăng tỷ giá trong nước, do đó tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2017 đến không có biến động lớn.

Tình hình cung tiền cho nền kinh tế quý I/2017 có tăng lên nhằm phục vụ nhu cầu vốn cho nền kinh tế nhưng ở mức độ hợp lý và hoàn toàn kiểm soát được. Trong quý I/2017, tín dụng có mức tăng trưởng ngay từ đầu năm, lạm phát cơ bản có mức bình quân theo tháng rất ổn định.

Điều này cho thấy, việc điều hành chính sách tiền tệ hiện tại là đúng hướng và không làm cho lạm phát tăng lên.

“Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi và điều hành chặt chẽ hoạt động cung tiền cho nền kinh tế bảo đảm đúng mục đích, đủ liều lượng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra”, Thống đốc khẳng định.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2016-2020; đã xây dựng dự thảo Luật tái cơ cấu và hỗ trợ xử lý nợ xấu. Đồng thời, dự kiến trình dự thảo Luật này để Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp tới.

Cần đưa ra các giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng tăng trưởng

Về tình hình kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng kinh tế vĩ mô quý I/2017 là ổn định, các chỉ số chính của nền kinh tế đạt được ở mức độ khá tốt. Tuy nhiên, chỉ số tăng trưởng GDP quý I/2017 đạt được không như mong muốn mà nguyên nhân chính là do ngành khai khoáng sụt giảm mạnh, ngành chế biến, chế tạo và ngành xây dựng có mức tăng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, kinh tế thế giới có thể có những tác động tới nước ta, do vậy Hội đồng cần đánh giá, phân tích và đề ra các giải pháp phù hợp để thúc đẩy và nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong công tác điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần duy trì tốt sự phối hợp giữa hai chính sách này và có biện pháp phản ứng kịp thời với những tác động từ bên ngoài, bảo đảm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Phó Thủ tướng lưu ý, về chính sách tài khóa cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và thực hiện quản lý, giám sát tốt vốn đầu tư công tránh đầu tư dàn trải và mang lại hiệu quả thấp.

Về điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng yêu cầu, cần có giải pháp giảm thiểu mức độ tác động tới mức thấp nhất của các áp lực trong nước và quốc tế tới chính sách tiền tệ, phấn đấu giữ vững ổn định lãi suất, tỷ giá.

Vừa qua, có một vài ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, đó là hiện tượng cá biệt, không phải là phổ biến và hiện nay lãi suất thị trường đã trở lại ổn định.

Phó Thủ tướng cho rằng, Ngaan hàng Nhà nước cần theo dõi và kiểm soát chặt chẽ, không để hiện tượng này tái diễn và bảo đảm lành mạnh trong công tác huy động vốn giữa các tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện tốt công tác kiềm chế lạm phát, điều hành các công cụ của chính sách tiền tệ, xây dựng khuôn khổ pháp lý và triển khai thực hiện tốt công tác tái cơ cầu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, bảo đảm hoạt động của hệ thống ngân hàng lành mạnh, an toàn và hiệu quả./.