Thu ngân sách tăng nhanh hơn mức chi trong Quý I/2017

Về thu-chi ngân sách nhà nước, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Ngô Chí Tùng cho biết, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước tháng 3 ước đạt 92,17 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 3 tháng đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán năm, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu trong tháng 3 tăng cao nhất, ước đạt 25 nghìn tỷ, tăng 19% (tương ứng khoảng 4 nghìn tỷ) so với tháng trước. Lũy kế thu Quý I đạt 66,8 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán năm, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2016

Hoạt động chi ngân sách nhà nước tháng 3 ước đạt 110,2 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi quý I ước đạt 284,96 nghìn tỷ đồng, bằng 20,5% dự toán năm, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Như vậy, trong quý I/2017, thu ngân sách đạt nhiều kết quả khả quan, mức thu ngân sách tăng nhanh hơn mức chi so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trả lời báo chí về việc có tận thu hay không khi thu ngân sách vẫn tăng trong khi tốc độ tăng trưởng quý I/2017 thấp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho biết, việc tăng thu này chủ yếu do từ 1/1/2017, một số loại thu về phí và lệ phí có thay đổi như lệ phí sử dụng đường bộ thu trên đầu ô tô, lệ phí hàng hải, thuế môn bài. Theo đó, riêng với phí và lệ phí, quý I ước đạt 31,3% dự toán, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2016. Việc tăng thu này đúng theo các quy định của pháp luật và “hoàn toàn không phải là tận thu, hay nói cách khác là khác là thu tăng, chứ không phải tăng thu” - ông Nguyễn Đại Trí khẳng định.

Bên cạnh đó, về tình hình huy động vốn cho ngân sách nhà nước, ông Tùng cho biết, công tác phát hành trái phiếu chính phủ năm 2017 khá thuận lợi, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán. Tính đến hết ngày 31/3/2017, đã phát hành được 56.497 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bằng 30,8% kế hoạch năm 2017.

Đặc biệt, công tác kiểm soát chi được chú trọng. Trong 3 tháng đầu năm Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi khoảng 183,6 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên và khoảng 40,4 nghìn tỷ đồng chi đầu tư phát triển. Qua đó, đã phát hiện khoảng 2.400 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết; không chấp nhận thanh toán khoảng 13 tỷ đồng.

“Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Dự trữ Nhà nước và Tài chính trừ trung ương đến địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội” – ông Tùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực quản lý điều hành trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính… cũng đã đạt được kết quả tích cực. Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức vận hành và giám sát hệ thống chặt chẽ để đáp ứng yêu cầu khai, nộp, hoàn thế điện tử; triển khai mở rộng Cơ chế một cửa Quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN. Tiếp tục bảo đảm việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS ổn định, an ninh, an toàn, không làm gián đoạn các hoạt động nghiệp vụ. Tăng cường kiểm soát giá cả thị trường như giá xăng, giá than, giá dịch vụ khám chữa bệnh…

Toàn cảnh họp báo thường kỳ Quý I/2017 của Bộ Tài chính

Tập trung cải cách thủ tục hành chính trong quý II

Nói về nhiệm vụ trong Quý II, ông Tùng nhấn mạnh, trong tháng 4 và quý II năm 2017, ngoài công tác điều hành thu chi ngân sách nhà nước; điều hành ngân quỹ và huy động vốn, quản lý chặt chẽ nợ công; tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại; công tác quản lý tài sản công; quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp…

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt sẽ tăng cường thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo chương trình của Bộ Tài chính để triển khai Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ, trong đó, tập trung triển khai thực hiện Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia ngành Tài chính để vừa tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, vừa nâng cao hiệu quả quản lý của ngành.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ chuẩn bị các nội dung về công tác hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế như: Chuyển đổi các biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo AHTN (Danh mục hàng hóa hài hòa ASEAN), chuẩn bị xây dựng các Nghị định ban hành cho giai đoạn 2018-2021; tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN; Hội nghị xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN tại Philippines; Tổ chức Hội nghị quan chức Tài chính APEC (SFOM) tại Ninh Bình…/.