Đó là một trong những tiêu chí phân bổ ngân sách nhà nước cho xây dựng nông thôn mới được nêu rõ trong Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 –2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Ưu tiên hỗ trợ các xã khó khăn

Về nguyên tắc phân bổ ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương được phân bổ cho các bộ, ngành trung ương và địa phương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và phải tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho bộ, ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương.

Đặc biệt, phải ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã nghèo thuộc các huyện nghèo; xã nghèo thuộc huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng như các huyện nghèo.

Tập trung đầu tư cho các xã mới đạt dưới 05 tiêu chí và các xã đã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; chú trọng đầu tư cho các xã chưa hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi); hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.

Không bố trí vốn ngân sách trung ương cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ tỉnh Quảng Ngãi).

Bên cạnh đó, Quyết định cũng nêu rõ sẽ dành khoảng 10% tổng các nguồn vốn ngân sách trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện các nhiệm vụ, như: Thưởng công trình phúc lợi cho các địa phương tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ bổ sung 163,34 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho một số xã vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; triển khai Đề án thí điểm về tổ chức sản xuất tại 7 vùng kinh tế của cả nước; các Đề án xây dựng nông thôn mới ở các vùng đặc thù; các Đề án thí điểm ở cấp trung ương phục vụ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt;...

Về tiêu chí phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Chương trình được xác định dựa trên số xã của các địa phương đến năm 2016 với hệ số ưu tiên.

Theo đó, hệ số ưu tiên theo đối tượng xã, với các xã đặc biệt khó khăn: Các xã dưới 5 tiêu chí hệ số 5; các xã còn lại hệ số 4. Các xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên hệ số 1,3. Hệ số 1 được áp dụng với các xã còn lại, không thuộc đối tượng ưu tiên nêu trên (bao gồm cả các xã đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và đạt chuẩn bền vững).

Hệ số ưu tiên theo tỷ lệ nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách năm 2014 của từng địa phương) và tỉnh Quảng Ngãi: Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương dưới 50% và tỉnh Quảng Ngãi hệ số 1; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 50% trở lên hệ số 1,2.

Các xã dưới 5 tiêu chí sẽ được ưu tiên phân bổ vốn tương ứng hệ số 5 (hệ số cao nhất)

Định mức phân bổ căn cứ vào điều kiện từng địa phương

Cụ thể, căn cứ vào tổng mức vốn ngân sách trung ương của Chương trình được cấp có thẩm quyền giao; trên cơ sở phối hợp với các cơ quan chủ trì nội dung thành phần Chương trình và các cơ quan liên quan, căn cứ báo cáo của các địa phương, dựa trên các tiêu chí phân bổ nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ, xác định định mức và xây dựng phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp.

Tiếp đó là căn cứ các nhiệm vụ được quy định, các bộ, ngành trung ương và địa phương đề xuất phương án phân bổ cụ thể vốn thực hiện các nhiệm vụ được giao gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, việc phân bổ vốn còn căn cứ vào kế hoạch vốn được hỗ trợ từ ngân sách trung ương được cấp có thẩm quyền thông báo và điều kiện thực tế của từng địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, phương án phân bổ vốn để thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trình HĐND cùng cấp quyết định./.