Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 15-18/5/2017.

Trước đó, ngày 15/02/2017, Chính phủ đã có tờ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách của thành phố Hải Phòng.

Tờ trình nêu rõ, Hải Phòng hiện là trung tâm, động lực phát triển kinh tế của cả vùng. Việc xây dựng cơ chế chính sách tài chính đặc thù đối với Hải Phòng là phù hợp, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Cơ chế đặc thù này nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của Thành phố; tạo điều kiện để Thành phố phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của khu vực phía Bắc và hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.Qua đó làm đầu tàu kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, khu vực và cả nước nói chung.

Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất UBTVQH xem xét mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp (theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, thành phố Hải Phòng được vay không quá 30%); đề nghị xem xét bổ sung có mục tiêu cho thành phố 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% bao gồm cả thuế giá trị gia tăng hàng hóa nhập khẩu để động viên, khuyến khích địa phương phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng với việc chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng được giao chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 (lần 2).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH14 (lần 3).

Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về việc tách nội dung bồi dưỡng, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Tờ trình của Chính phủ về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (lần 2)./.