Điểm tựa giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Thời gian qua, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã được Chính phủ giao thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, hộ dân tộc thiểu số và đã đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Tính đến hết năm 2016, Ngân hàng Chính sách Xã hội quản lý 18 chương trình tín dụng chính sách và một số dự án, với tổng dư nợ đạt 157.300 tỷ đồng, trên 8,4 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, cụ thể: Trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang còn dư nợ, với tổng dư nợ là 37.136 tỷ đồng (chiếm 24%/tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đang thực hiện), dư nợ bình quân đạt hơn 25 triệu đồng/hộ; Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn tín dụng chính sách tại các vùng miền của toàn quốc: Vùng Đồng bằng sông Hồng: chiếm tỷ lệ 1,6%/tổng số khách hàng, Vùng Trung du và miền Núi phía Bắc: chiếm tỷ lệ 54%/tổng số khách hàng, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: chiếm 18%/số khách hàng, Vùng Tây Nguyên: chiếm tỷ lệ 14%/tổng số khách hàng, Vùng Đông Nam Bộ: chiếm tỷ lệ 1,8%/tổng số khách hàng, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: chiếm 11%/tổng số khách hàng.

Điều đặc biệt, trong 18 chương trình tín dụng chính sách có 03 chương trình tín dụng dành riêng cho hộ dân tộc thiểu số là:

(i) Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ (thay thế cho Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg): tổng dư nợ là 924 tỷ đồng, với 127.539 khách hàng;

(ii) Chương trình hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015 theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ (thay thế cho Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg): tổng dư nợ là 432 tỷ đồng, với 42.483 khách hàng;

(iii) Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ (thay thế cho Quyết định số 1592/QĐ-TTg): tổng dư nợ là 820 tỷ đồng, với 55.474 khách hàng.

Tổng dư nợ của 3 chương trình này là 2.177 tỷ đồng, với 225.496 khách hàng vay vốn. Tuy nhiên, đến hết năm 2016, 03 chương trình tín dụng nêu trên đã hết hiệu lực thi hành và sẽ được Ngân hàng Chính sách Xã hội quản lý, theo dõi theo quy định.

Trong thời gian tới, Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ được triển khai thực hiện để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tạo quỹ đất sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề giai đoạn 2017-2020. Ngoài ra, còn có chương trình cho vay theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 09/09/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Chương trình này mới được Chính phủ giao vốn và Ngân hàng Chính sách Xã hội đã khẩn trương phân bổ về các địa phương để triển khai cho vay theo quy định. Đến nay, tổng dư nợ của chương trình này là 7.953 triệu đồng, với 213 hộ gia đình vay vốn.

Nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả thiết thực

Vẫn còn đó khó khăn

Mặc dù đạt được được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số, việc bố trí nguồn vốn vẫn chưa kịp thời để đảm bảo chủ động thực hiện các chương trình tín dụng theo kế hoạch được duyệt (như: chương trình cho vay theo Quyết định 755/QĐ-TTg, Quyết định 29/2013/QĐ-TTg, Quyết định 54/2012/QĐ-TTg) trong khi thời gian hiệu lực thi hành các Quyết định trên chỉ đến hết năm 2015. Do vậy, các địa phương không đủ thời gian để giải ngân cho vay. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn trên cũng được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài đến hết năm 2016 để đảm bảo không bỏ sót đối tượng thụ hưởng nào.

Đồng thời, một số chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số thời hạn cho vay ngắn (chỉ tối đa là 05 năm), mức cho vay thấp (chỉ nâng từ 5 triệu lên 8 triệu đồng/hộ, hoặc nâng từ 10 triệu lên 15 triệu đồng/hộ).

Bên cạnh đó, chưa có cơ chế cho kéo dài thời gian trả nợ đối với hộ vay vốn đã được gia hạn nợ hết thời gian tối đa theo quy định, nhưng vẫn chưa thoát nghèo, dẫn đến khó khăn để thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

Hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các tổ chức nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội chưa cao, dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn vay của một bộ phận người vay là chưa cao, khó khăn trong việc thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, còn một bộ phận hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, hoặc có tư tưởng ỷ lại, trông chờ làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn đi xuất khẩu lao động chưa đáp ứng được yêu cầu làm việc, ý thức chấp hành kỷ luật còn thấp, tác phong công nghiệp kém, bỏ về nước trước hạn, vi phạm hợp đồng lao động...

Những khó khăn trên là do một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, đối tượng vay là hộ dân tộc thiểu số, sinh sống tại những nơi có địa hình hiểm trở, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, lũ quét, lũ ống, hạn hán, nằm xa các trung tâm; kinh tế, giao thông khó khăn; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống còn nhiều hạn chế.

Thứ hai, trình độ, tập quán sản xuất, nhận thức và cách thức tổ chức sản xuất của một bộ phận hộ dân tộc thiểu số còn thấp, vẫn còn tính tự cấp, tự túc... Sản phẩm sản xuất ra không tập trung, khó tiêu thụ, dẫn dến lợi nhuận thấp, đồng tiền thu được không bù đắp đủ chi phí sản xuất.

Thứ ba, chưa có cơ chế gắn kết thống nhất để lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án trên cùng địa bàn với vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội, giữa các hoạt động đào tạo, tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học với các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn.

Cần có những chính sách hỗ trợ đột phá hơn nữa

Một là, trong thời gian tới, chính sách tín dụng dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số cần mang tính đột phá về tăng mức vay, tăng thời hạn cho vay, nguồn vốn tập trung vào một số ngành nghề trọng yếu để hộ dân có định hướng làm ăn, tạo sinh kế trong tương lai, như: nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống... Đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật, có định hướng, thị trường tiêu thụ sản phẩm... để giúp hộ dân tạo năng suất, chất lượng sản phẩm (thực sự là sản xuất hàng hóa).

Hai là, cần có chính sách tín dụng đặc thù cho vùng, địa phương để ưu tiên, khuyến khích đồng bào định canh, định cư tại chỗ, vừa giúp cho việc phát triển kinh tế bền vững và vừa giữ gìn bản sắc dân tộc... Riêng đối với đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống quá khó khăn, già cả, neo đơn, không có khả năng lao động, tàn tật, mắc bệnh hiểm nghèo... thì trước mắt cần phải có lộ trình cho các hộ đó ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội như việc Chính phủ ưu tiên các chính sách trợ cấp, bảo trợ xã hội... mà chưa áp dụng các chính sách tín dụng vay vốn ưu đãi.

Ba là, chính quyền địa phương các cấp cần gắn kết hơn nữa trong việc đầu tư tín dụng chính sách vào mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương, cần thực hiện tốt chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư..., chuyển giao khoa học, kỹ thuật, nhân rộng các mô hình thoát nghèo theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về việc giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Trong đó, lưu ý đến việc tiêu thụ sản phẩm cho hộ dân để giải quyết một phần vấn đề ly nông bất ly hương để đồng bào yên tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.