Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành luật về việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức TCVM, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay trong hoạt động của tổ chức TCVM; ban hành các quy định để tạo điều kiện liên kết hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng với hoạt động của các tổ chức TCVM.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng kết việc thí điểm hoạt động cho vay gián tiếp của Quỹ Hỗ trợ tín dụng thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất định hướng phát triển loại hình TCVM bán buôn nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho hoạt động TCVM; chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý kiến nghị của Bộ Nội vụ về sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài nhằm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động TCVM; đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình hoạt động tài chính vi mô phát triển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2017.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm trình hoặc ban hành các quy định phù hợp đối với hoạt động của bảo hiểm vi mô.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có chính sách hỗ trợ các tổ chức tài chính vi mô trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các tỉnh, thành phố và cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn II (2016-2020) được giao tại Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 6/12/2011, tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức TCVM, chương trình dự án TCVM phát triển, tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội, nhất là tại các vùng nghèo, vùng khó khăn; thực hiện gửi báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo đúng quy định.

Trước đó, ngày 6/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020.

Đề án nhằm xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức tài chính vi mô an toàn, bền vững, hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Về giải pháp thực hiện, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 nhóm giải pháp chính bao gồm: (i) Xây dựng môi trường pháp lý đồng bộ, phù hợp với đặc thù của hoạt động tài chính vi mô; (ii) Nâng cao năng lực hoạch định chính sách và quản lý của cơ quan quản lý nhà nước trong đó tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ quan quản lý trong việc xây dựng cơ chế chính sách, quản lý, thanh tra, giám sát và đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia về tài chính vi mô; (iii) Nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính vi mô, bao gồm các tổ chức tài chính vi mô đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép và Ngân hàng Chính sách xã hội; (iv) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tài chính vi mô; (v) Các giải pháp hỗ trợ khác.

Liên quan đến việc tổ chức thực hiện, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện Đề án thành hai giai đoạn, cụ thể:

Giai đoạn 1 (từ năm 2011 đến năm 2015): Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động tài chính vi mô; Tham mưu cho Chính phủ về giải pháp quản lý đối với hoạt động tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ; Hỗ trợ các tổ chức tài chính vi mô trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia, hình thành cơ sở đào tạo về tài chính vi mô, xây dựng cơ sở dữ liệu chung về tài chính vi mô và thành lập Hiệp hội tài chính vi mô.

Giai đoạn 2 (từ năm 2016 đến năm 2020): Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý cho phép đa dạng hoá loại hình tổ chức hoạt động và mở rộng sản phẩm dịch vụ loại hình tài chính vi mô; Nghiên cứu, ban hành các quy định để tạo điều kiện liên kết hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng với hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô.

Về phía Bộ Tài chính cũng thực hiện theo hai giai đoạn được chia theo mốc thời gian như trên, trong đó ở Giai đoạn 1 nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách thuế, phí phù hợp nhằm hỗ trợ phát triển hoạt động tài chính vi mô; Ban hành cơ chế tài chính, chế độ hạch toán, kế toán phù hợp đối với hoạt động tài chính vi mô; Nghiên cứu ban hành quy định phù hợp đối với hoạt động bảo hiểm vi mô. Giai đoạn 2 đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế về tín dụng ưu đãi đảm bảo phục vụ đúng đối tượng người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Tham mưu cho Chính phủ về việc tập trung vốn dành cho tài chính vi mô; Đề xuất chính sách, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tham gia sử dụng các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện hoạt động tài chính vi mô./.