Chiều 12/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất với ý kiến, Chính phủ quản lý thống nhất nợ công, nhưng phải có đầu mối giúp Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc đó

Trong lần họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ bàn về một nội dung, đó là việc quy định đầu mối quản lý nợ công. Bởi các nội dung khác đã được thống nhất tại Phiên hợp trước (tại phiên họp thứ 13).

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 13, ngày 8/9/2017, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã làm việc với cơ quan soạn thảo về một số nội dung liên quan đến quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong quản lý nợ công.

Về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành trong quản lý nợ công, Chính phủ giải trình và đề nghị quy định theo hướng: Chính phủ thống nhất quản lý về nợ công; các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nợ công theo phân công của Chính phủ.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị, một mặt, để bảo đảm minh bạch trong xác định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đầu mối thống nhất quản lý nợ công, mặt khác để bảo đảm tính chủ động của Chính phủ trong việc phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có liên quan, Luật cần quy định rõ: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Giao một cơ quan làm đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công theo hướng giao Bộ Tài chính làm cơ quan đầu mối và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trong quản lý nợ công để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 26 Luật Ngân sách Nhà nước và đồng bộ với cách thức quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Điều 88 Luật Đầu tư công.

Chính phủ phân công nhiệm vụ đối với các bộ, ngành có liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý nợ công.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong quản lý nợ công. Việc chỉ quy định chung chung, không xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong nội dung Dự thảo luật sẽ dẫn đến nhiều nội dung phải giao Chính phủ quy định, chưa bảo đảm tính cụ thể, chưa hạn chế tình trạng “luật khung, luật ống”, sẽ phát sinh khó khăn, vướng mắc.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định thống nhất đầu mối quản lý nợ công là cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất với ý kiến của đa số Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Chính phủ quản lý thống nhất nợ công là đương nhiên nhưng phải có đầu mối giúp Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc đó.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, vấn đề quản lý nợ công là vấn đề rất quan trọng, nhất là trong điều kiện nợ công tăng cao, sát với trần và vừa qua vấn đề quản lý nợ công có sự chồng chéo và không quản lý được tốt, nhất là những khoản vay nước ngoài, trong đó có khoản ODA và một số khoản vay với các định chế tài chính của nước ngoài.

Do vậy, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nợ công và phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề nợ công, còn sự phối hợp của các Bộ từ đàm phán đến ký kết thì giao cho Chính phủ phân công cụ thể, nhưng phải đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW, rà soát điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức của các bộ ngành, cơ quan trung ương địa phương theo hướng tinh gọn, gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách trên cơ sở tinh thần phiên thảo luận hôm nay, cùng Bộ Tài chính hoàn chỉnh nội dung này và gửi ngay bản dự thảo Luật này cho các Đoàn đại biểu Quốc hội xin ý kiến./.