Năm 2015, 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng năm 2015 là: Ngân hàng Xây dựng (nay CB Bank, trước là VNCB), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP Bank).

Tại thời điểm bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc, cả 3 ngân hàng này đều đang trong tình trạng vô cùng khó khăn, lỗ lũy kế hàng chục nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm nhiều lần.

VNCB, thời điểm bị mua lại nhà băng này đang có khoản lỗ lũy kế lên tới 27.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 24.000 tỷ đồng. Giá trị thực của cổ phiếu VNCB khi đó là âm hơn 80 nghìn đồng/cổ phiếu.

Oceanbank cũng có khoản nợ xấu lên tới hơn 15.000 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ và lỗ lũy kế gần 10.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 2 lần. Còn GPBank, tại thời điểm ngày 2/4/2015, tổng số lỗ lũy kế của nhà băng này lên đến 12.280 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị âm 9.195 tỷ đồng. Dư nợ cho vay giảm mạnh chỉ còn 6.669 tỷ đồng, trong đó có tới 45,37% là nợ xấu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sau khi được mua lại 100% vốn và cử người sang hỗ trợ, nhóm ngân hàng "0 đồng" này đã hoạt động ổn định trở lại.

Tuy nhiên, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2017 vừa được gửi tới Quốc hội cho biết, bày tỏ lo ngại trước tình hình tài chính của các ngân hàng trên.

Báo cáo kiểm toán cho thấy, sau 2 năm được Ngân hàng Nhà nước mua lại, thực trạng tài chính của 3 ngân hàng vẫn không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc âm vốn chủ sở hữu ngày càng tăng và nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm nhiều nghìn tỷ đồng.

Kết quả thanh tra, kiểm toán năm 2015 tại OceanBank cho thấy, nợ xấu của ngân hàng này gần 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lỗ khoảng 10.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần.

Với CB Bank, tính đến ngày 26/7/2014, vốn chủ sở hữu ngân hàng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2014, tính đến ngày 02/04/2015, tổng số lỗ lũy kế của GPBank lên đến 12.280 tỷ đồng, dẫn tới vốn chủ sở hữu bị âm 9.195 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của GPBank đạt tới con số cao kỷ lục 45,37%. Đồng thời, dư nợ cho vay khách hàng giảm mạnh, chỉ còn 6.669 tỷ đồng.

Tính toán của Bộ Tài chính, việc các ngân hàng này được mua lại giá 0 đồng đã khiến thất thoát vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước tại đây. Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất khoảng 800 tỷ đồng tại OceanBank, Tổng công ty Lương thực miền Nam là 1,3 tỷ đồng tại VNCB... Sau quá trình cơ cấu không hiệu quả, Chính phủ đã nhất trí dừng mua ngân hàng giá 0 đồng.

Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của nhóm 3 ngân hàng GPBank, OceanBank và VNCB với giá 0 đồng. Sau khi mua lại, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn 100% vốn Nhà nước, đồng thời cử người của Vietcombank và VietinBank vào hỗ trợ, đổi tên VNCB thành CBBank, đổi nhận diện thương hiệu của GPBank.

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đề cập đến 3 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, đến nay vẫn chưa thể hiện được hiệu quả, hoạt động tín dụng còn thua lỗ, tình trạng tài chính chưa được cải thiện sau 2 năm tái cơ cấu, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận các ngân hàng 0 đồng sau khi mua bắt buộc lại vẫn còn thua lỗ.

Thống đốc cho rằng, điều quan trọng nhất sau khi mua lại là chúng ta đã ổn định được tâm lý của người gửi tiền, tránh việc rút tiền hàng loạt và giữ được ổn định của các ngân hàng để không gây nguy cơ đổ vỡ của ngân hàng này, từ đó lây lan sang mất an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, Thống đốc nhấn mạnh, việc xây dựng phương án để xử lý triệt để các ngân hàng này và sau khi Ngân hàng nhà nước mua lại 0 đồng cũng đã có những bước để kiện toàn hoạt động, đưa cán bộ của các ngân hàng thương mại nhà nước như từ Vietcombank và từ Ngân hàng Công thương sang để quản trị điều hành các ngân hàng này, kiện toàn lại bộ máy quản trị điều hành cán bộ, tăng cường các hoạt động để đảm bảo an toàn.

“Chúng tôi đẩy mạnh việc tiết giảm các chi phí hoạt động để giảm lỗ và tăng cường công tác thu hồi nợ xấu và xử lý các tài sản đảm bảo. Cơ bản bước đầu các hoạt động của ngân hàng này đã tạm ổn định và lỗ lũy kế cũng đã giảm dần”, Thống đốc cho biết.

Song, trước thực tế là các ngân hàng này còn khó khăn do thực trạng tài chính, tài sản không sinh lời cao cho nên làm chi phí gia tăng, nên ngay từ năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đã báo cáo xây dựng đề án để xử lý các ngân hàng này, có các giải pháp khác nhau và Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện. Vừa rồi gần đây nhất Chính phủ đã họp và đã có nghị quyết để hoàn thiện các phương án xử lý cụ thể.

“Chúng ta xử lý các ngân hàng vừa phải đảm bảo an toàn lành mạnh nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định hoạt động ngân hàng, giữ được lòng tin của người gửi tiền và bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền thì chúng ta chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ. Chính vì vậy Chính phủ đã chỉ đạo và Ngân hàng nhà nước đã tập trung nỗ lực công sức để xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng”, Thống đốc chia sẻ.

Các quy định trong luật này có một nội dung rất quan trọng là để có các công cụ để xử lý và hỗ trợ chương trình tái cơ cấu. Mục tiêu ưu tiên của Chính phủ là tìm các nhà đầu tư mới có năng lực tài chính và năng lực quản trị kinh doanh, kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

“Khi các nhà đầu tư vào, nếu có khuôn khổ pháp lý đầy đủ thì chúng ta có các công cụ để xử lý các ngân hàng này một cách triệt để và nhanh chóng hơn”, Thống đốc nhấn mạnh./.