Những kết quả đạt được

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD, nhìn chung, các TCTD đã đạt được một số kết quả như sau:

Một là, nhiệm vụ cơ cấu lại được thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt về cơ chế, chính sách, tài chính, quản trị, hoạt động đối với tất cả các nhóm TCTD cả trong nước và nước ngoài. Việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD đã và đang diễn ra khá mạnh mẽ, chủ yếu thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Đã cơ cấu lại 8/9 NHTM yếu kém và những ngân hàng này đã dần đi vào hoạt động ổn định với kết quả khá khả quan gồm: SCB, Habubank, Tienphongbank, WesternBank, TrustBank, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và Navibank.

Trong đó, kết quả hoạt động kinh doanh trong năm 2012 sau hợp nhất của SCB đã thu được lợi nhuận trước thuế là 77 tỷ đồng và hiện nay, ngân hàng này đang dần đi vào hoạt động ổn định. Hay, đến cuối năm 2012, vốn điều lệ của ngân hàng TienphongBank tự cơ cấu với Tập đoàn DOJI đã tăng mạnh từ 3.000 tỷ đồng lên 5.550 tỷ đồng, nợ xấu đã giảm xuống ở mức dưới 5%.

Hai là, an toàn của hệ thống TCTD được bảo đảm, nguy cơ gây đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã được giảm dần, khả năng chi trả của các TCTD được cải thiện, tài sản của Nhà nước và tiền gửi của nhân dân được an toàn, chi trả đầy đủ, kịp thời, kể cả ở một số ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần yếu kém phải cơ cấu lại.

Ba là, từng bước lành mạnh hóa tài chính, trọng tâm là tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu của các TCTD. Theo báo cáo của NHNN tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2014 ngày 18/12/2013, trong 11 tháng đầu năm, vốn điều lệ của toàn hệ thống các TCTD tăng 6,65%, tương đương 25.800 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu tăng 43.500 tỷ đồng).

Hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu như: Triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu; cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh; kiểm soát và tiết giảm chi phí hoạt động kể cả chi lương, thưởng và cổ tức để tăng khả năng trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng và tích cực bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Nhờ đó, nợ xấu của các TCTD đã từng bước được xử lý, chất lượng hoạt động của các TCTD được nâng lên.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ngày 27/12, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt trên 11%, tăng 2,5%. Bên cạnh đó, VAMC đã mua được trên 36.000 tỷ đồng nợ xấu từ các TCTD. Con số này so với tổng dư nợ đầu năm chiếm tới 1%.

Những thách thức đang đặt ra

Nợ xấu ngày càng khó xác định và bài toán giải quyết “nợ xấu” vẫn nan giải

Theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 31/12/2012 là hơn 8,8%, và đến cuối tháng 2/2013 giảm còn 6%, tiếp đến cuối tháng 9/2013 giảm chỉ còn chiếm 4,62% tổng dư nợ, với số tiền là 142.330 tỷ đồng. Không những thế, tốc độ tăng nợ xấu bình quân năm 2013 đã giảm so với năm 2012 ở mức 2,2%/tháng so với mức 3,91%/tháng năm 2012. Tuy vậy, vẫn còn thái độ hoài nghi về con số nợ xấu giảm chỉ còn 4,62% trong 3 quý đầu năm 2013.

Thời gian qua, VAMC tích cực trong việc mua nợ xấu, từ đó làm làm sạch bản cân đối tài sản của ngân hàng, giúp cải thiện mối quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng, khơi thông nguồn vốn tín dụng. Tuy vậy, tổ chức này cũng đối mặt với những vấn đề khó khăn trong thực hiện vai trò là chủ nợ và sẽ quyết định phương án cơ cấu lại cuối cùng sao cho có lợi nhất cho doanh nghiệp, TCTD và nền kinh tế. Bởi thực tế, nếu có bán nợ xấu cho VAMC, thì vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho số nợ đã bán, làm tăng chi phí cho các tổ chức này. Đồng thời sau 5 năm, số nợ này VAMC không xử lý được thì lại trả về cho các TCTD. Điều này làm mất đi tính chủ động trong tiến trình xử lý các khoản nợ xấu này của chính bản thân các TCTD.

Vấn đề sở hữu chéo giữa các TCTD vẫn chưa được hạn chế và kiểm soát hiệu quả

Việc NHNN thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong một khoảng thời gian dài từ năm 2006 - 2010 đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bùng nổ một cách mạnh mẽ. Để có đủ vốn cung cấp cho nền kinh tế với quy mô lớn và thường xuyên, thì các TCTD buộc phải liên kết sở hữu với nhau. Nghị định 141/2006/NĐ-CP, ngày 22/11/2006 yêu cầu tất cả các NHTM phải có vốn điều lệ tối thiểu là 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010. Áp lực tăng vốn điều lệ đã buộc các ngân hàng phải liên kết với nhau thông qua nắm giữ cổ phần của nhau. Hay việc sáp nhập các TCTD với nhau theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ đã khiến cho một nhóm ngân hàng hoặc cá nhân trở thành chủ sở hữu của nhiều ngân hàng khác.

Hiện trạng mạng lưới sở hữu chéo ở Việt Nam đang hết sức phức tạp, đã tạo thành một ma trận chằng chịt đến mức báo động, dù các quy định khống chế tình trạng này không thiếu, mà rất ít thông tin được công khai.

Trên thực tế, Luật các TCTD năm 2010 đã có những quy định rõ ràng về vấn đề sở hữu cổ phần của các cá nhân và các TCTD. Tuy nhiên, để lách luật, các TCTD đã hoặc thông qua trung gian để mua cổ phần của các TCTD đã mua cổ phần của mình, hoặc cá nhân thì tìm cách ‘‘núp bóng” người khác để sở hữu cổ phần ngân hàng vượt quá con số quy định là 5% vốn điều lệ của TCTD như quy định.

Trình độ quản trị ngân hàng vẫn chưa đáp ứng tốt các chuẩn mực quốc tế

Hiệp ước Basel I (về các phương pháp quản trị rủi ro) ra đời từ năm 1988, nhưng phải 17 năm sau Việt Nam mới bắt đầu thực hiện với sự ra đời của hai quyết định quan trọng: Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN, ngày 19/04/2005, Quyết định này sau đó đã được thay thế bằng Thông tư 13/2010/TT-NHNN, ngày 20/05/2010 và Thông tư 19/2010/TT-NHNN, ngày 27/09/2010, về đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các TCTD; Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN, ngày 22/04/2005 về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng trong hoạt động của các TCTD.

Các quy định này nhìn chung đã theo tinh thần của Basel I. Tuy nhiên, mức độ vận dụng Basel I của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn chưa đầy đủ do thiếu hạ tầng kỹ thuật và cơ sở dữ liệu. Cụ thể, tỷ lệ an toàn vốn của các NHTM lớn dù đã đạt mức 8%, nhưng các tỷ lệ này được tính toán trên cở sở các chuẩn mực kế toán Việt Nam.

Dựa trên tình hình hiện tại, câu hỏi đặt ra là: bao giờ hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể tuân thủ hoàn toàn Basel I?, vẫn chưa có câu trả lời, chưa bàn đến Basel II. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia châu Á đã triển khai Basel II cho thấy, thường phải mất từ 5 - 7 năm kể từ lúc bắt đầu đến khi hoàn toàn tuân thủ. Do đó, nếu không triển khai nghiêm túc từ đầu, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn cách đích Basel II khá xa.

Trên thực tế, các NHTM tuy đã đạt được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% theo Basel II, nhưng nếu trích lập dự phòng rủi ro đúng và đủ theo quy định của NHNN, chắc chắn tỷ lệ này sẽ sụt giảm, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi con số nợ xấu chưa xác định chính xác là bao nhiêu.

Một số kiến nghị

Để đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD trong năm 2014- 2015 và căn bản hoàn thành mục tiêu 2015 như đã định, theo chúng tôi, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp, như sau :

Thứ nhất, phải xác định sự tồn tại sở hữu chéo là một tất yếu khách quan, đặc biệt là trong tiến trình cơ cấu lại các TCTD. Tuy nhiên, cần cấp bách giải quyết vấn đề tiêu cực trong sở hữu chéo đang hình thành một cách mạnh mẽ, khó kiểm soát. Muốn vậy, phải minh bạch hóa thông tin về tỷ lệ và đối tượng sở hữu, thậm chí cần phải cưỡng chế bằng những biện pháp hành chính, cũng như xử phạt nặng đối với các cá nhân và TCTD tìm cách lách luật, lạm dụng vấn đề sở hữu chéo để vi phạm pháp luật, tư lợi cá nhân, thao túng thị phần, làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như các TCTD.

Thứ hai, để xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu trong hệ thống các TCTD, trước mắt cần minh bạch hóa thông tin nợ xấu của từng TCTD. Để thực hiện vấn đề này, NHNN phải có biện pháp kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động của từng TCTD, đảm bảo các thông tin về nợ xấu do các tổ chức này cung cấp phải hợp lệ với quy định của quy định pháp luật. Theo đó, kết hợp giám sát vấn đề trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD theo đúng quy định của NHNN. Cần có biện pháp xử phạt thích đáng đối với các TCTD vi phạm.

Thứ ba, cần xác định rõ ràng vai trò của VAMC trong vấn đề xử lý các khoản nợ xấu do tổ chức này mua lại sao cho có hiệu quả. Tránh tình trạng VAMC chỉ đơn thuần chuyển đổi nợ xấu của các TCTD yếu kém thành nợ của VAMC, rồi 5 năm sau, VAMC không giải quyết được, lại tiếp tục chuyển trả về cho các TCTD. Trong khi thời gian này, các TCTD vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu này. Vấn đề này tạo ra những tác động tiêu cực, rõ nét nhất là việc các TCTD sẽ cố tình tìm mọi cách che giấu con số nợ xấu. Khi đó, nợ xấu vẫn không được giải quyết và sự tồn tại VAMC trong trường hợp này là quá thừa. Vì vậy, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để cho các tổ chức quốc tế cũng như cá nhân quan tâm đến việc đầu tư vào các khoản nợ xấu này có cơ hội tiếp cận. Theo đó, để đẩy nhanh việc bán nợ xấu cho đối tác ngoại thì các thủ tục hành chính cũng cần phải được cải cách theo hướng đơn giản và rút gọn hơn để tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư sau khi họ quyết định mua.

Thứ tư, NHNN cũng như các tổ chức chuyên trách của Chính phủ phải rà soát lại và chấn chỉnh công tác thống kê và xử lý dữ liệu, phải nhất quán trong việc công bố các thông tin, số liệu trong hoạt động ngân hàng nói riêng và tất cả các hoạt động kinh tế khác nói chung. Với tư cách là cơ quan đứng đầu và giám sát tất cả các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN cần thể hiện sự nhất quán trong thông tin về số liệu, đặc biệt là nợ xấu, tránh tạo tâm lý hoang mang và nghi ngờ trong dư luận, gây mất niềm tin của dư luận đối với hệ thống ngân hàng và tạo nên tâm lý lo sợ về đổ vỡ ngân hàng.

Thứ năm, NHNN cần hướng các NHTM chủ động công bố và minh bạch thông tin trong quản trị rủi ro. Sớm xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện quản trị rủi ro toàn diện theo Basel I, Basel II và Basel III để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng./.

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ (2012). Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg, ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ

2. Nguyễn Đức Trung và Nguyễn Mạnh Hùng (2013). Thực trạng sở hữu chéo trong hệ thống NHTM Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị, Tạp chí Ngân hàng, số 12/2013

3. Trần Thủy (2013). Nợ xấu ngân hàng dưới 3%: Thực hay ảo?, truy cập từhttp://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/137228/no-xau-ngan-hang-duoi-3---thuc-hay-ao-.html

ThS. Nguyễn Minh Phương (Đại học Công nghiệp Hà Nội)

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 3/2014