Nhiều “trở ngại”

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiêp Việt Nam 2017 (VBF) , ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, năm 2017 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, của Chính phủ. Quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển đang được định hình rõ nét từ chính sách ban hành cho đến các hành động cụ thể.

Nhiều nghị quyết quan trọng đã được ban hành trong thời gian qua, như: Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hay Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới năm 2020. Năm 2017 cũng được xác định là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên quan tâm tới cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, giảm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã dần lan tỏa hiệu quả xuống các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp. Các diễn đàn, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp đã được tổ chức thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành trong năm 2017.

Nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đã được lắng nghe, được các cơ quan Nhà nước tháo gỡ với thái độ cầu thị. Nhiều bộ, ngành, như: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ… đã chủ động rà soát, có nhiều kế hoạch cải cách điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Năm 2017, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh

Cũng ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, song đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp, dẫn tới việc có gần 60% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.

Cụ thể, nhiều loại chi phí kinh doanh còn ở mức cao và đang có xu hướng tăng; điều kiện kinh doanh còn nhiều cản trở; thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp; các doanh nghiệp tư nhân lép vé so với doanh nghiệp nhà nước và FDI về quy mô, nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận nguồn lực; mức lương tối thiểu tăng nhanh hơn năng suất lao động trong nhiều năm qua đã dẫn các “gánh nặng”, như: chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công đoàn…

“Ngoài ra, Việt Nam có quy mô xuất khấu lớn, nhưng chi phí logictisc lại kém cạnh tranh”, TS. Lộc cho biết.

Đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), bà Natasha Ansell cũng có những lo ngại về môi trường kinh doanh của Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội thường phản ánh rằng, các chính sách của Việt Nam thiếu nhất quán, kém hiệu quả và đối xử không công bằng giữa các thành phần kinh tế.

Bà Natasha Ansell cũng cho biết, nhập khẩu hàng hóa vào Việt nam đang ngày càng trở nên tốn kém, phức tạp hơn cần thiết đang hạn chế hoạt động của doanh nghiệp và kìm hãm luồng nhập khẩu vào Việt Nam.

“Chúng tôi cũng quan ngại trước những thay đổi mới đây trong chính sách, quy định một cách thiếu phù hợp với các thông lệ tối ưu quốc tế và có thể nói là một bước lùi của Việt Nam. Những sửa đổi này khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài đứng trước những nguy cơ, rào cản mới khi thực hiện đầu tư”, bà Natasha Ansell nhấn mạnh.

Về phía các doanh nghiệp châu Âu, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCharm nhận định rằng, Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã có nhiều hoạt động rất nghiêm túc trong việc tiếp cận nhiều đối tượng để rà soát và phát triển môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có những tồn tại lớn ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu, đó là: tham nhũng nhân viên trong các cơ quan nhà nước; vẫn còn cơ chế bảo hộ, chú trọng khu vực nhà nước; thủ tục hành chính phức tạp; chính sách thuế, chính sách một cửa quốc gia; chính sách thanh toán ngoại tệ qua internet không thống nhất…

Ở góc nhìn tương tự về những khó khăn liên quan đến thể chế và các thủ tục hành chính, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản Hiroshi Karashima cho rằng, thủ tục hành chính của Việt Nam đã tốt lên tuy nhiên chưa đầy đủ.

Ông Hiroshi Karashima cho biết: “Vẫn còn tồn tại cách giải thích pháp lý không rõ ràng của một số cơ quan, trong khi đó, ttrong đầu tư, sự rõ ràng minh bạch là rất quan trọng”.

Cần nỗ lực hơn nữa!

Trước những tồn tại của môi trường kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ cải cách. Cụ thể, cắt giảm và minh bạch hơn nữa các thủ tục hành chính; các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế tư nhân cần được cụ thể hóa qua các chỉ tiêu định lượng, đồng thời ràng buộc trách nhiệm đối với tất cả các cấp chính quyền và người đứng đầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần nghiên cứu và ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy sự gắn kết của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước trong các lĩnh vực: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao cộng nghê, công nghiệp hỗ trợ hình thành chuỗi giá trị, tạo môi trường để các doanh nghiệp ngoại và nội “cộng sinh” cùng có lợi.

Đồng thời, ông Lộc cũng đề nghị Chính phủ cần có những chỉ đạo cụ thể trong việc đảm bảo không tăng lương tối thiểu nhanh hơn năng suất lao động trong những năm tiếp theo, để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tích lũy đầu tư.

“Điều này rất quan trọng khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn, nhưng lại khó khăn trong tiếp cận được vốn ngân hàng, đất đai…”, ông Lộc nhấn mạnh.

Còn theo ông Hiroshi Karashima, Chính phủ nên thành lập một cơ quan liên bộ ngành, có quyền hạn xử lý các vấn đề phát sinh do sự thiếu rõ ràng của chính sách gây ra. Trong ủy ban đó cần có uỷ viên là các bộ trưởng và có sự tư vấn của hội đồng chuyên gia gồm các doanh nghiệp tư nhân.

Còn theo Hiệp hội doanh nghiệp nghiệp Mỹ, bà Natasha Ansell cho rằng, môi trường kinh doanh chỉ có thể được cải thiện tốt nhất bằng những giải pháp nâng cao năng suất, giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

“Xử lý những vấn đề này sẽ tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn tư nhân cho những dự án trọng điểm, góp phần cải thiện tình hình tài chính của đất nước và thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao cho Việt Nam”, bà Natasha Ansell nhấn mạnh.

Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ kiến tạo môi trường đầu tư tốt cho sự phát triển của mọi thành phần kinh tế; tiếp tục cải cách thủ tục, không để thụt lùi trong quá trình hội nhập.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, Chính phủ trân trọng, chào đón doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam nhưng không hoan nghênh doanh nghiệp làm ăn không chân chính và sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động bất hợp pháp; buôn bán hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân; các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại.

Nhắc lại sự đồng hành, chung tay của Chính phủ, Thủ tướng lưu ý chính cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo nên diện mạo Việt Nam trong thời gian tới, là lực lượng hiện thực hoá khát vọng phồn vinh của người dân Việt Nam.

Thủ tướng cam kết: "Tất cả những kiến nghị, nguyện vọng của doanh nghiệp sẽ được các bộ, ngành lắng nghe, tiếp thu để cải cách, sửa đổi vì lợi ích chung của nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân"./.