Phát biểu tại cuộc thi, bà Chu Hồng Minh, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết, sứ mệnh của VietChallenge là hiện thực hoá những ý tưởng kinh doanh nhằm vào việc giải quyết những thách thức của nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Mục tiêu của chương trình là giúp tạo ra các công ty khởi nghiệp với khả năng đột phá, cạnh tranh cao trên trường quốc tế, đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Top 3 startup được lựa chọn tham dự Vòng chung kết toàn cầu 2018

Đánh giá cao ý nghĩa của cuộc thi, CEO Đặng Đức Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, VietChallenge được tổ chức đã kích thích được tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên ngay còn trên ghế nhà trường, đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích và tạo nhiều điều kiện phát triển trong thời gian gần đây. Từ những sự chuẩn bị như vậy, ông Thành tin rằng, sau khi ra trường, các bạn học sinh, sinh viên này sẽ thành công vượt trội hơn nữa.

Đưa ra lời khuyên cho các startup, ông Thành cho rằng, các startup bắt buộc phải có phương án kinh doanh khả thi. Trong đó, nhấn mạnh đến 2 yếu tố, đó là: đổi mới sáng tạo và nhận biết được những sản phẩm, thị trường tiềm năng, để có được bước phát triển xa hơn trong tương lai.

Trong khi đó, ông Đỗ Hoài Nam, thành viên Ban giám khảo của cuộc thi lại cho rằng, các startup Việt nên hướng đến thị trường thế giới nhiều hơn, không nên chỉ bó buộc tại Việt Nam.

“Các bạn cần đi du lịch nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn, tiếp cận với các doanh nghiệp, doanh nhân thế giới nhiều hơn để học hỏi phương cách kinh doanh cho mình”, ông Đỗ Hoài Nam đưa lời khuyên.

Còn ông Trần Hùng Đức, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT thì cho rằng, hiện nay thế hệ trẻ Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng GDP 2017 của Việt Nam tương đối tốt, cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho khởi nghiệp rất nhiều.

“Chính vì vậy, các bạn trẻ cần phải nhanh chóng khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tận dụng thời cơ chưa từng có này”, ông Đứa cho biết.

Được khởi động từ ngày 01/09/2017, Vietchallaenge 2018 đã nhận được 201 hồ sơ dự thi vòng loại từ 17 quốc gia trên toàn thế giới. Sau 2 cuộc thi vòng loại diễn ra tại Hà Nội ngày 22/12/2017, VietChallenge đã tìm được 6 đội tranh tài tại vòng chung kết tại Việt Nam.

Bao gồm: Hand Free (dịch vụ giúp khách hàng tìm được người giúp việc nhỏ tỏng gia đình, như: sửa điện hoặc sửa ống nước…); Viot (chuyên sản xuát các thiết bị internet of things thông minh cho các lĩnh vực, như: đô thị, nông nghiệp và nhà máy…); Ekid (cung cấp đồ chơi thông minh nhằm phát triển tư duy cho trẻ); Elight (một nền tảng học tiếng Anh sáng tạo dựa trên 4 kỹ năng: nghe – nói – đọc – viết); VDEs (giúp người tổ chức sự kiện tìm được các địa điểm tổ chức một các thuận tiện và dễ dàng); AbbyCard (nền tảng quản lý thẻ thành viên và giải pháp marketing tự động dành cho các cửa hàng và doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng và bán lẻ).

Sau khi thi đấu trực tiếp tại hội trường, 3 đội xuất sắc nhất là Viot, VDEs, Elight đã được chọn tham gia Vòng chung kết toàn cầu diễn ra vào tháng 03/2018 tại Boston, Hoa Kỳ, với tổng giá trị giải thưởng lên đến 50,000 USD, gồm: Giải Nhất trị giá 25,000 USD, giải Nhì 5,000 USD và bốn giải Ba, mỗi giải 2,000 USD./.