Sau đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định gửi các ngân hàng tại Việt Nam đề nghị khấu trừ toàn bộ số tiền khách hàng có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam chuyển vào tài khoản của Công ty Uber để thực hiện cưỡng chế thuế.

Khó thực hiện cưỡng chế thuế đối với Công ty Uber

Tuy nhiên, Công ty Uber không mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam.

“Tổng cục Thuế đang rà soát lại và có hướng dẫn về cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể, chắc chắn cho Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh để thực hiện theo quy định của pháp luật. Khi có thông tin tiếp theo chúng tôi sẽ cung cấp cho các cơ quan báo chí”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Mai cho biết.

Trước đó, sau khi tiến hành thanh tra, đầu tháng 9/2017 Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu với số tiền hơn 66,68 tỷ đồng đối với Công ty Uber B.V (Hà Lan).

Trong đó, phạt tiền về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp gần 10,3 tỷ đồng, truy thu thuế với số tiền gần 51,48 tỷ đồng.

Ngoài ra, Uber phải nộp thêm số tiền chậm nộp tính đến ngày 31/8 là hơn 4,9 tỷ đồng.

Không đồng tình với kết quả thanh tra trên, Uber B.V đã khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính với lý do hãng này không phải đóng thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Hà Lan.

Tuy nhiên, khiếu nại trên đã bị Bộ Tài chính “bác”. Bộ đã có văn bản trả lời chính thức, theo đó bác khiếu nại của Uber B.V Hà Lan về quyết định truy thu 66,68 tỷ đồng thuế của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh.

Đến ngày 13/12, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh ra tối hậu thư yêu cầu Uber B.V nộp khoản thuế trên trong vòng 10 ngày (tức không quá ngày 23/12).

Ngày 20/12 đại diện Uber B.V đã chính thức gửi văn bản khẳng định sẽ cân đối tài chính để nộp khoản thuế bị truy thu nhưng kèm đó, phía Uber B.V cho biết sẽ tiếp tục thực hiện việc khiếu nại và nếu cần thiết sẽ khởi kiện ra tòa./.