Nhận định này được ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê đưa ra tại buổi họp báo công bố các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010-2016, ngày 06/02/2018.

Trên 561.000 doanh nghiệp đang hoạt động

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 31/12/2017, tổng số doanh nghiệp hiện đang hoạt động (không bao gồm doanh nghiệp đã đăng ký, chưa đi vào hoạt động, các doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký) trên phạm vi cả nước ước tính trên 561.000 doanh nghiệp, tăng 11,1% so với năm 2016.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp thành lập mới cả nước năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. Trong đó, ngành bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ lệ cao nhất trong số doanh nghiệp mới thành lập; Tiếp đến là Chế biến, chế tạo; Xây dựng; Khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo...

Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2016. Nếu tính cả 1.869,3 nghìn tỷ đồng của hơn 35,2 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2017 là 3.165,2 nghìn tỷ đồng.

Trước ý kiến lo ngại về quy mô vốn của doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ, liệu doanh nghiệp Việt Nam có đủ sức để "ra biển" lớn?, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp cho rằng, 10,2 tỷ đồng là số vốn trung bình của một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Còn trên thực tế, chúng ta có doanh nghiệp có vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng, quy mô vốn lớn, đang đầu tư ra nước ngoài. "Mặc dù vậy, chúng ta vẫn hy vọng đoàn "thuyền thúng" ra biển được và khi ra biển lớn mạnh thành tàu", ông Nguyễn Hồng Long cho biết.

Doanh thu, lợi nhuận tăng chưa như kỳ vọng

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2016 tổng doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 17,4 triệu tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp tăng 15,1%. Trong đó, công nghiệp và xây dựng và dịch vụ là hai khu vực có quy mô lớn nhất về doanh thu, đồng thời là hai khu vực tạo ra khối lượng doanh thu năm 2016 khá tương đồng với con số lần lượt là 8,9 triệu tỷ đồng và 8,5 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, khu vực công nghiệp và xây dựng đang có tốc độ tăng doanh thu giai đoạn 2010-2016 cao hơn với mức tăng 17,0%/năm (trong đó ngành công nghiệp tăng 17,4%/năm), các doanh nghiệp dịch vụ tăng bình quân 13,5%/năm.

Toàn cảnh buổi họp báo

Theo thành phần kinh tế, các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ doanh thu chi phối và có cơ cấu đóng góp ngày càng tăng trong toàn bộ doanh nghiệp. Năm 2016, tổng doanh thu do các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra được 9,76 triệu tỷ đồng (chiếm 56% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp).

Tuy không có được tỷ lệ doanh thu cao, nhưng khu vực FDI lại có tốc độ tăng doanh thu nhanh nhất trong các thành phần kinh tế giai đoạn 2010-2016. Năm 2016, các doanh nghiệp FDI tạo ra 4,8 triệu tỷ đồng doanh thu, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp FDI tăng 23%.

Các doanh nghiệp nhà nước đang trong giai đoạn giảm nhanh quy mô do chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại nên doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước tăng chậm hơn các thành phần kinh tế khác. Năm 2016 các doanh nghiệp nhà nước tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước tăng 6%.

Về tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 712,947 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực doanh nghiệp, tăng 12,3% (thấp hơn mức tăng của vốn 16,3% và doanh thu 15,1%).

Trong đó, doanh nghiệp FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các thành phần kinh tế còn lại. Năm 2016, các doanh nghiệp FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 17,3%/năm giai đoạn 2010-2016.

Còn đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước, mặc dù chiếm tỷ lệ lớn nhất về số doanh nghiệp, lao động và vốn, nhưng chỉ tạo ra khối lượng lợi nhuận khiêm tốn, với 188,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 8,4%/năm giai đoạn 2010-2016.

Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, thì năm 2016, các doanh nghiệp này tạo ra 197,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 9,4%/năm giai đoạn 2010-2016.

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận tăng, song ông Phạm Đình Thúy cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu là tăng trưởng về quy mô vốn và lao động, nên tốc độ vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

"Điều này cho thấy năng suất, chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam dự kiến doanh nghiệp sẽ trong top đầu của Đông Nam Á về năng suất, chất lượng, hiệu quả doanh nghiệp nhưng chắc chắn việc đó không phải là ngày một, ngày hai làm được", ông Phạm Đình Thúy nhận định.

Làm gì để phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới?

Tổng cục Thống kê cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện điều kiện kinh doanh, môi trường pháp lý. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp hướng tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có một triệu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu thành phần kinh tế trong doanh nghiệp theo hướng sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, thu hút FDI hiệu quả hơn và đặc biệt khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Đồng thời, nhanh chóng đưa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào cuộc sống để sớm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nhanh, hiệu quả trong thời gian tới.

Tổng cục Thống kê cũng kiến nghị cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, hướng dẫn và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chế độ báo cáo và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và đầy đủ cho các cơ quan quản lý theo luật định phục vụ hiệu quả hơn công tác quản lý, điều hành của nhà nước.

Ngoài ra cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, loại bỏ các doanh nghiệp kinh doanh không lành mạnh, trái pháp luật, gây tổn hại cho nền kinh tế; đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại để các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, các ngành (Trung ương và địa phương) lắng nghe ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.../.