Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, trong 3 khu vực kinh tế, thì khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất, với 327,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực này vào ngân sách nhà nước lại thấp nhất, với 250,9 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2016, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra hơn 188.100 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 26% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp). Nhưng đóng góp của khu vực này cho ngân sách đang lớn nhất với 434.700 tỷ đồng, tăng 17%/năm trong giai đoạn 2010-2016.

Doanh nghiệp FDI hiện đang đóng góp ít nhất vào ngân sách nhà nước

Lý giải điều này tại buổi họp báo "Một số chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010-2016", ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do các doanh nghiệp FDI sản xuất trong các ngành công nghệ cao, nghiên cứu phát triển… nên được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 1 số năm kể từ năm đầu tiên có ghi nhận doanh thu, điển hình như: Samsung Bắc Ninh, Thái Nguyên…

Ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân 30 năm đầu tiên của các doanh nghiệp công nghệ cao chỉ phải nộp 10%; 4 năm đầu miễn thuế hoàn toàn; 9 năm tiếp theo đóng 50%.

Bình quân thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp trong nước nộp tối đa 20%-22% trong khi doanh nghiệp FDI hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao được hưởng ưu đãi rất lớn, đóng cao nhất trong 30 năm chỉ bằng 1/2 các doanh nghiệp trong nước phải đóng.

Ngoài ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Thúy cung cho biết, các doanh nghiệp FDI hoạt động công nghệ cao cũng được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng. Đây là điều kiện khá thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI.

Ông Thúy cho rằng, điều này cũng dễ hiểu, bởi để thu hút được nguồn vốn FDI, thì Việt Nam phải cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy được điểm hấp dẫn ở Việt Nam, ưu đãi hơn, lợi thế hơn so với các nước khác.

Ngoài những ưu đãi chung, ông Thúy cũng cho rằng, các địa phương khác nhau cũng có chính sách miễn giảm các loại thuế với thời gian linh hoạt khác nhau để thu hút FDI. Có những dự án FDI ở tỉnh này không được miễn giảm, nhưng khi sang tỉnh khác lại được ủng hộ với những ưu đãi tốt hơn. Chính vì vậy, có địa phương thu hút mạnh FDI, ngược lại có địa phương lại thu hút kém.

Tuy nhiên, ông Thúy cũng cho rằng, thời gian tới, Nhà nước cần rà soát và kiểm soát chặt chẽ hơn, khống chế các địa phương ưu đãi vượt khung, nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng với doanh nghiệp trong nước để cùng phát triển.

Lý do cuối cùng mà ông Thúy đưa ra đó là, có hiện tượng một bộ phận doanh nghiệp FDI lách luật chuyển giá, mà cơ quan nhà nước chưa phát hiện ra hoặc chưa có chế tài nghiêm cấm việc này, gây thất thoát nguồn thu của Nhà nước.

Ông Thúy cũng cho biết, hiện tại, Chính phủ bàn giao cho Bộ Tài chính tiến hành rà soát và chống chuyển giá, trốn thuế. Hy vọng trong tương lai, khi xử lý được vấn đề này Việt Nam sẽ có một môi trường lành mạnh hơn cho các doanh nghiệp./.