Quy mô ngày càng nhỏ, tỷ lệ “chết lâm sàng” cao

Thống kê của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cho thấy, trong tháng 1/2018 số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động đang lên mức báo động, với khoảng 14.854 doanh nghiệp. Con số này chiếm đến 96,3% tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng (trong khi tỷ lệ này trung bình năm 2017 là khoảng 47,4%).

Không chỉ tỷ lệ chết lâm sàng cao, báo cáo kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế năm 2017 vừa mới được công bố ngày 19/01/2018 của Tổng cục Thống kê còn cho thấy xu hướng manh mún và nhỏ dần của các doanh nghiệp.

Cụ thể, tại thời điểm ngày 01/01/2017 cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp lớn, chiếm 1,9% tổng số doanh nghiệp, giảm so tỷ lệ 2,3% của năm 2012. Đáng chú ý, tỷ trọng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng tới 6 điểm % so năm 2012 trong khi tỷ trọng lao động giảm 0,8 điểm %.


Nhiều lo ngại về sức khỏe doanh nghiệp

Một báo cáo khác mới đây của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, mặc dù chiếm tỷ lệ lớn nhất về số doanh nghiệp, lao động và vốn, nhưng doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ tạo ra khối lượng lợi nhuận khiêm tốn, với 188,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 8,4%/năm giai đoạn 2010-2016.

“Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu là tăng trưởng về quy mô vốn và lao động, nên năng suất, chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới”, ông Phạm Đình Thúy, Tổng cục Thống kê đánh giá.

Đánh giá về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều không gian phát triển, mà con số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động và doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động càng ngày càng tiệm cận với nhau lại khiến chúng ta càng lo ngại.

“Đáng nhẽ môi trường kinh doanh tốt hơn, thì doanh nghiệp phải đứng vững hơn, phải có sức chống chọi và tuổi thọ cao hơn, nhưng đây thì ngược lại”, ông Nam nhấn mạnh.

Làm sao để phát triển toàn diện, bền vững?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có cả chủ quan lẫn khách quan.

Với nguyên nhân khách quan, môi trường kinh doanh mặc dù đã có bước tiến tích cực, song vẫn còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Những hiện tượng, như: kiểm tra chuyên ngành, thanh tra, kiểm tra, giấy phép con… vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, mà ngày càng gây “nhức nhối”, dẫn đến tình trạng, doanh nghiệp muốn được việc thì phải “chung chi” theo kiểu “của công chia ba, của nhà chia đôi”.

Chính vì vậy, vấn đề chi phí không chính thức vẫn chưa được giải quyết. Báo cáo PCI của VCCI cho thấy, các chỉ tiêu đo lường ở giai đoạn 2014-2016 dường như diễn biến tiêu cực hơn so với giai đoạn 2008-2013. Đặc biệt, có tới 9%-11% doanh nghiệp cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6%-8% giai đoạn 5 năm trước đó.

Về nguyên nhân chủ quan, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nhỏ bé, yếu thế, quản trị kém, thiếu kinh nghiệm kinh doanh mà còn tranh giành, đấu đá nhau.

Đánh giá về điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, ông Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho biết, tính riêng rẽ của doanh nghiệp Việt Nam rất phổ biến, thậm chí đố kỵ lẫn nhau, cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, văn hóa kinh doanh cũng chưa được hình thành đúng nghĩa, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, thực phẩm bẩn… diễn ra còn khá phổ biến, không chỉ làm tổn hại đến doanh nghiệp đó, mà còn là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sức khỏe cộng đồng.

Theo đó, để doanh nghiệp Việt phát triển toàn diện, bền vững, thì cần phải giải quyết được những hạn chế của môi trường kinh doanh và các yếu kém nội tại của chính bản thân doanh nghiệp.

Trước những tồn tại của môi trường kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ cải cách. Cụ thể, cắt giảm và minh bạch hơn nữa các thủ tục hành chính; các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế tư nhân cần được cụ thể hóa qua các chỉ tiêu định lượng, đồng thời ràng buộc trách nhiệm đối với tất cả các cấp chính quyền và người đứng đầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần nghiên cứu và ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy sự gắn kết của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước trong các lĩnh vực: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao cộng nghê, công nghiệp hỗ trợ hình thành chuỗi giá trị, tạo môi trường để các doanh nghiệp ngoại và nội “cộng sinh” cùng có lợi.

Đồng thời, ông Lộc cũng đề nghị Chính phủ cần có những chỉ đạo cụ thể trong việc đảm bảo không tăng lương tối thiểu nhanh hơn năng suất lao động trong những năm tiếp theo, để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tích lũy đầu tư.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, giải pháp ngắn hạn là cần tập trung giảm chi phí trên cơ sở cải cách thủ tục hành chính, giảm nhũng nhiễu, phiền hà. Gắn với đó cần có chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, tín dụng trên cơ sở doanh nghiệp phải cải thiện năng lực quản trị, minh bạch hoạt động, trình độ quản lý.

“Đặc biệt, về dài hạn cần trả lại quyền kinh doanh đúng nghĩa của doanh nghiệp, gạt bỏ những rào cản liên quan đến các điều kiện kinh doanh đang cản trở khối này phát triển”, ông Hùng cho biết.

Còn đối với doanh nghiệp, ông Ngô Văn Điểm cho rằng, để đồng hành với Chính phủ trong xây dựng nền kinh tế vững mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam phải tự tái cơ cấu lại doanh nghiệp, tích cực đầu tư vào các lĩnh vực còn yếu của nền kinh tế, như nông nghiệp, tham gia tài cơ cấu khu vực kinh tế phi chính thức.

Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng thương hiệu, văn hóa kinh doanh, coi chữ tín làm đầu với Nhà nước, cộng đồng, khách hàng, cổ đông và người lao động./.