Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, hoàn thiện Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp, trong đó lưu ý bổ sung tiêu chí đánh giá về tình hình phát triển doanh nghiệp của từng địa phương và của cả nước, tiêu chí đánh giá về chất lượng phát triển doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2018.

Phó Thủ tướng yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện và triển khai công bố các chỉ số PCI và MEI.

Hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục thống kê) chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo công bố bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, nếu PCI chủ yếu liên quan chủ trương chính sách vĩ mô mà các địa phương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp tại mỗi địa phương phát triển, thì Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp sẽ đánh giá hiệu quả sự hỗ trợ của địa phương đối với doanh nghiệp, thông qua kết quả đầu tư sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước... Đặc biệt, sau này sẽ có chỉ tiêu giá trị tăng thêm, phản ánh kết quả sản xuất cuối cùng.

Nói cách khác, PCI đánh giá mức độ thuận lợi từ các yếu tố đầu vào theo cảm nhận của doanh nghiệp; còn Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp đánh giá hiệu quả đầu ra, dựa trên các thống kê cụ thể về kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Điểm chung của cả hai bộ chỉ số chính là đo lường mức độ, điều kiện thuận lợi, tất cả các vấn đề liên quan đến đầu tư, kinh doanh thương mại của doanh nghiệp tạo nên hệ sinh thái kinh doanh cho doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố. Từ đó, có những đề xuất, kiến nghị để chính quyền các địa phương điều chỉnh, tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và thân thiện hơn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đánh giá đầy đủ, chính xác kết quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của các Bộ, ngành và các địa phương và sự phát triển của các doanh nghiệp, cần phải có bộ chỉ tiêu được tính toán khoa học để lượng hóa chính xác các kết quả đó.

Chính vì vậy, Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển DN là rất cần thiết nhằm thúc đẩy và nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành và các địa phương trong chỉ đạo, điều hành hỗ trợ doanh nghiệp không ngừng phát triển và phản ánh sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tại các địa phương.

Đề án cũng đặt ra yêu cầu phải đánh giá được tính khả thi, mức độ đi vào cuộc sống của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, các Luật khác liên quan đến doanh nghiệp, Nghị quyết, các chính sách của Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương. Đồng thời, đánh giá, xếp hạng mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đối với Bộ, ngành và các địa phương phải đảm bảo tính khách quan và tính khả thi.

Về nội dung, Đề án có hai nội dung lớn. Một là, xây dựng bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng các Bộ, ngành và các địa phương về mức độ hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, sẽ lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá mức độ hỗ trợ doanh nghiệp đối với các bộ, ngành và các địa phương tập trung vào các lĩnh vực: Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Tiếp cận các nguồn lực (tín dụng, đất đai,…); Giảm chi phí cho doanh nghiệp…

Nội dung thứ hai của đề án là xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp đối với các địa phương. Theo đó, sẽ lựa chọn các chỉ tiêu đo lường mức độ phát triển doanh nghiệp hằng năm của các địa phương như: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thu hút lao động, thu hút vốn đầu tư, doanh thu, giá trị gia tăng, lợi nhuận, đóng góp cho ngân sách nhà nước, đầu tư đổi mới công nghệ, sáng tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…/.