Lợi ích lớn từ GSP

EU được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu lớn và nhiều tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công thương, chỉ tính riêng trong quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu sang EU của nước ta đạt 9,83 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Vì vậy, để tận dụng được tối đa ưu đãi GSP của EU, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những yêu cầu của EU, trong đó có việc phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường này.

Mục đích của GSP là hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua tạo thuận lợi cho các nước này xuất khẩu vào thị trường EU. Việc này được thực hiện dưới hình thức giảm thuế cho hàng hóa của các nước đang phát triển khi nhập khẩu vào thị trường EU.

Mức thuế GSP thấp hơn thuế suất của chế độ đối xử tối huệ quốc (MFN) và có thể đến 0% tùy theo quy định của nước cho hưởng.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc của hàng hóa sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách sang doanh nghiệp. Điều này nghĩa là doanh nghiệp được quyền tự phát hành bằng chứng về xuất xứ, cụ thể là khai thông tin về xuất xứ trong các chứng từ thương mại (chẳng hạn như hóa đơn), mà không có sự tham gia của các cơ quan quản lý trong quá trình phát hành.

Cơ chế này đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như: giảm thiểu thời gian, chi phí giao dịch, chủ động trong phát hành hóa đơn thương mại, giúp doanh nghiệp nắm bắt những cam kết về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời, giảm rủi ro cho các cơ quan cấp phép và bớt gánh nặng cho hải quan.

Nhưng, khó khăn còn nhiều

Mặc dù Việt Nam đã triển khai chương trình thí điểm tự chứng nhận xuất xứ theo cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN từ cuối năm 2016, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự sẵn sàng, số lượng doanh nghiệp tham gia còn rất ít. Đến nay Việt Nam mới chỉ có 2 đơn vị là Vinamilk và Nestlé Việt Nam tham gia.

Nguyên nhân chủ yếu là các điều kiện đưa ra quá cao, quá khắt khe nên nhiều doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn được “trao quyền” tự chứng nhận xuất xứ.

Cụ thể: Doanh nghiệp phải đạt kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN năm trước liền kề tối thiểu 10 triệu USD (ngày 06/12/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BCT bỏ tiêu chí về mức kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN theo quy định cũ); Doanh nghiệp phải là nhà sản xuất đồng thời là người xuất khẩu hàng hóa do chính thương nhân sản xuất; Có quá trình chấp hành tốt pháp luật, không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký; Có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công Thương chỉ định cấp thì mới đủ điều kiện để được tự chứng nhận...

Hơn nữa, phần lớn doanh nghiệp còn loay hoay, chưa biết cách làm, chưa hiểu về các biểu mẫu, các thủ tục và băn khoăn, lo lắng về các quy định hậu kiểm tại các nước nhập khẩu. Đây là do doanh nghiệp chưa nắm vững quy trình sản xuất và quy định về quy tắc xuất xứ, chưa có hệ thống lưu trữ chứng từ để đáp ứng yêu cầu xác minh thường xuyên và đột xuất.

Nhiều doanh nghiệp cũng sợ vì theo quy định nếu có một doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ bị phát hiện gian lận, thì các nước nhập khẩu sẽ không chấp nhận việc tự chứng nhận xuất xứ của cả một ngành sản xuất của nước đó. Như vây, việc thực hiện làm “hộ chiếu” cho hàng hóa xuất ngoại vừa khó đạt được, vừa chứa nhiều rủi ro đã khiến doanh nghiệp lo sợ, e ngại và thiếu mặn mà khi tham gia chương trình thí điểm vừa qua.

Thủy sản là một trong những mặt hàng của Việt Nam được ưa chuộng tại EU

Để doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện của GSP

Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 2.700 doanh nghiệp đang xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà bản C/O là do các cơ quan chuyên trách. Trong khi đó, thời gian doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sang thị trường EU để được hưởng GSP có hiệu lực là vào năm 2019. Vì vậy, việc doanh nghiệp bắt buộc phải tự chứng nhận xuất xứ khi xuất khẩu sang thị trường này là không thể đảo ngược. Thời gian còn lại quá gấp gáp!

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trên Thông tấn xã Việt Nam, trước khi áp dụng hoàn toàn việc tự chứng nhận xuất xứ, phía EU sẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian quá độ khoảng 6 tháng. Trong thời gian này, nếu doanh nghiệp nào chưa tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được đều có thể xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) từ các cơ quan chức năng giống như đang làm hiện nay.

Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp qua việc tổ chức các buổi hội thảo để cung cấp thông tin về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trong thời gian tới, Bộ sẽ mở các lớp đào tạo để cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và khi có vấn đề xảy ra Bộ Công Thương sẽ nắm được thông tin nhằm phối hợp với EU truy xuất nguồn gốc hàng hóa và doanh nghiệp.

Trong quá trình làm thí điểm, số lượng doanh nghiệp được trao quyền tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa quá ít. Vì vậy, khi triển khai cơ chế sâu rộng, Nhà nước cần tìm hiểu kỹ càng nguyên nhân khách quan, chủ quan để có chính sách thích hợp giúp việc tự chứng nhận xuất xứ dễ dàng hơn và mở rộng hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU. Cụ thể là trong quá trình áp dụng ưu đãi thuế quan phổ cập và ưu đãi thuế quan theo các FTA, Nhà nước cần đưa ra ưu đãi đối với cả các lô hàng nhỏ để đảm bảo cho các doanh nghiệp nhỏ với lượng xuất khẩu thấp không bị thiệt so với các doanh nghiệp lớn có khả năng tự chứng nhận xuất xứ.

Bên cạnh đó, chính bản thân các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực hơn nữa, như: phải nắm rõ quy định về quy tắc xuất xứ của các nước tham gia ký hiệp định thương mại với Việt Nam, chủ động nghiên cứu tìm hiểu các ưu đãi thị trường (thuế, hạn ngạch...), kịp thời nắm bắt thông tin về quy định, quy trình có liên quan, nên có nhân sự chuyên trách về việc này, đặc biệt là phải học cách làm ăn trung thực và giữ chữ tín, bảo vệ thương hiểu./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2018-01-15/can-tiep-tuc-go-vuong-ve-ho-chieu-cho-hang-viet-xuat-ngoai-52735.aspx

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2018-04-21/doanh-nghiep-tu-chung-nhan-xuat-xu-hang-hoa-tu-nam-2019-56499.aspx

http://bnews.vn/tu-chung-nhan-xuat-xu-hang-hoa-co-hoi-cho-doanh-nghiep/83216.html

http://baodautu.vn/vinamilk-nestle-duoc-thi-diem-tu-chung-nhan-xuat-xu-hang-hoa-trong-asean-d55061.html