Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán (Accounting and Corporate Regulatory Authority – ACRA) của Singapore là cơ quan quản lý quốc gia về tất cả các tổ chức kinh tế, quản lý kế toán viên hành nghề và các nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp tại Singapore. ACRA thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và hoạt động của các kế toán viên hành nghề. Đây được xem là điểm sáng trong việc tổ chức hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh thế giới.

Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán của Singapore

Các nhóm nhiệm vụ chính của ACRA bao gồm:

Thứ nhất, duy trì hệ thống đăng ký kinh doanh tin cậy, cung cấp dịch vụ đăng ký kịp thời, cải thiện việc cung cấp dịch vụ và hiệu quả của quy trình đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán và thông tin tài chính doanh nghiệp.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp để cải thiện hoạt động quản trị doanh nghiệp và giảm thiểu gánh nặng tuân thủ quy định pháp luật cho doanh nghiệp.

Mô hình chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua cơ sở dữ liệu tập trung Enterprise Data Hub - EDH do ACRA nắm giữ lượng thông tin lớn và quan trọng về các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế, trong các mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan phục vụ quản lý nhà nước, ACRA đóng vai trò quan trọng, là cơ quan trung tâm, đầu mối cung cấp thông tin cần thiết, phù hợp cho các cơ quan nhà nước khác.

Xử lý dữ liệu của những doanh nghiệp không còn hoạt động trên thực tế, nhưng chưa cập nhật tình trạng trong cơ sở dữ liệu tập trung: ACRA đánh giá đây cũng là một trong những khó khăn của cơ quan này trong bối cảnh, cập nhật kịp thời cơ sở dữ liệu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhưng trong một số trường hợp, ACRA không thể loại bỏ dữ liệu của những doanh nghiệp không còn hoạt động trên thực tế, không báo cáo với ACRA, chủ yếu là các doanh nghiệp còn nợ thuế nhà nước. Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự khi có nhiều doanh nghiệp trong cơ sở dữ liệu quốc gia hiện không còn hoạt động kinh doanh, nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa có đủ cơ sở để loại bỏ những dữ liệu “chết” đó.

Kinh nghiệm cụ thể Singapore áp dụng là chia đối tượng áp dụng pháp luật thành nhiều nhóm và có các biện pháp, hình thức tương ứng với từng nhóm: với nhóm sẵn sàng tuân thủ quy định của pháp luật, cần cung cấp đầy đủ thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thực hiện các quy định của pháp luật. Ví dụ triển khai và đơn giản hóa các ứng dụng dịch vụ công qua mạng điện tử hỗ trợ việc kê khai, cập nhật thông tin, báo cáo của doanh nghiệp.

Với nhóm có tinh thần tôn trọng pháp luật, nhưng gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định, có thể cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn.

Với nhóm đối tượng không muốn tuân thủ pháp luật hoặc cố tình vi phạm, cần áp dụng các biện pháp thanh tra, kiểm tra.

Đối với nhóm đối tượng vi phạm quy định của pháp luật, cũng cần chia thành các trường hợp khác nhau. Trường hợp vi phạm lần đầu, có thể cảnh cáo, nhắc nhở và yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo như một biện pháp khắc phục hậu quả.

Trường hợp vi phạm nhiều lỗi, hoặc vi phạm nhiều lần, cần có các biện pháp xử phạt nghiêm, như: phạt tiền và tăng dần mức phạt, tương ứng với mức độ vi phạm hoặc thậm chí xóa tên khỏi cơ sở dữ liệu đăng ký; hạn chế quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp của các cá nhân vi phạm, hoặc đưa ra giải quyết tại Tòa án.

Trong bối cảnh hiện nay, các nước đang quyết tâm mạnh mẽ thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện, cả khu vực công và khu vực tư, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng “Một quốc gia thông minh”, thì những kinh nghiệm của ACRA Singapore đem lại kinh nghiệm thực tế cho Việt Nam trong việc đăng ký kinh doanh. /.

Tài liệu tham khảo:

1. K. Latha (2008). Singapore: Harnessing the Internet to streamline procedures, Celebrating Reforms 2008

2. EY (2018). Doing business in Singapore, access to https://www.ey.com/Publication/vwLUAssets/EY-doing-business-in-singapore/%24FILE/EY-doing-business-in-singapore.pdf