Những bước tiến về chính sách

Nhằm khuyến khích phát triển doanh nghiệp, báo cáo cho biết, Chính phủ đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua hoàn thiện khung pháp lý với những tư tưởng đổi mới rất mạnh mẽ. Nổi bật trong năm 2014 là việc Chính phủ trình và Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm tạo sự thay đổi tích cực môi trường kinh doanh, đầu tư.

Cụ thể như xác lập nguyên tắc: doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành, nghề pháp luật không cấm; minh bạch hóa điều kiện kinh doanh, cùng với việc đơn giản hóa và giảm rào cản gia nhập thị trường; tiết giảm thủ tục đăng ký đầu tư; chú trọng chuyển công tác nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Bên cạnh đó hàng chục các văn bản quy phạm pháp luật/hiệp định quốc tế và luật lớn tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp được tiếp tục ban hành, sửa đổi, hoàn thiện (Luật Đất đai, Luật thương mại, Luật phá sản, Luật sở hữu trí tuệ, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp…).

Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo, đôn đốc triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng phục vụ của Chính phủ, chính quyền các cấp đối với người dân và doanh nghiệp, xoá bỏ mọi rào cản, đảm bảo quyền tự do bình đẳng kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp.

Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 75/NQ-CP về cắt giảm mức phí, chi phí cho doanh nghiệp; Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/06/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Song song với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế, Chính phủ đã chú trọng công tác trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), mà chủ yếu là DNTN.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực pháp lý, đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặt biệt là DNNVV, ngày 12/06/2017, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV (Luật số 04/2017/QH14). Luật có hiệu lực thi hành từ 01/1/2018.

Ngoài các hỗ trợ cơ bản dành cho các DNNVV như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thông tin, phát triển nguồn nhân lực, tư vấn, công nghệ...

Đây được ghi nhận là bước tiến quan trọng trong công tác hoàn thiện chính sách hỗ trợ DNNVV và được kỳ vọng tạo ra cú hích đối với sự phát triển của khu vực DNTN trong thời gian tới.

Những dấu hiệu khả quan về số lượng doanh nghiệp mới

Tình hình doanh nghiệp đăng ký kinh doanh 5 năm gần đây đã cho thấy những dấu hiệu khả quan về số lượng doanh nghiệp mới. Việt Nam có 504.073 doanh nghiệp đăng ký thành lập trong giai đoạn 05 năm 2011-2016, xấp xỉ số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong cả 10 năm trước đó (giai đoạn 2000-2010 với gần 500 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên toàn quốc).

Xu hướng thanh lọc doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ từ sau khủng hoảng năm 2011. Hậu khủng hoảng, với tâm lý còn lo ngại rủi ro, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có phần chững lại. Giai đoạn 2011-2014, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới liên tục giảm. Tuy nhiên, đến năm 2015, 2016 thì số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã có những kết quả khả quan.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giai đoạn 2011-2017

Nguồn: Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh

Sự gia tăng trở lại mạnh mẽ này trùng với thời điểm Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực vào tháng 7/2015. Thực tế, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 đã góp phần tạo cơ chế thông thoáng, tác động trực tiếp, thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh. Chẳng hạn như doanh nghiệp có quyền tự quyết về số lượng, hình thức, nội dung của con dấu...; doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Cùng với đó, quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 yêu cầu rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp còn 03 ngày được thực hiện tốt. Năm 2017, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã vươn tới con số 126.859 doanh nghiệp - cao nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế trong năm qua là 3.165.233 tỷ đồng, bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1.295.911 tỷ đồng và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 1.869.322 tỷ đồng với 35.276 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn.

Song song với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thì việc cắt giảm chi phí khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp cũng được các Bộ ngành chú trọng. Riêng lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, kể từ ngày 20/1/2018, lệ phí đăng ký doanh nghiệp được giảm 50% so với quy định trước đây và miễn phí 100% lệ phí đối với trường hợp doanh nghiệp đăng ký qua mạng điện tử.

Có thể nói, với những cải cách đổi mới mạnh mẽ trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước, khu vực DNTN đã có sự phát triển mạnh mẽ trong suốt hơn 1 thập kỷ qua về số lượng doanh nghiệp.

Cùng với sự bùng nổ về số lượng, DNTN đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch về cơ cấu ngành nghề thông qua tạo việc làm, thu hút lao động từ lĩnh vực nông nghiệp, tham gia đầu tư vào các thị trường ngách, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, DNTN đã thể hiện vai trò và những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế. Ước tính trong giai đoạn 2015-2016, khu vực kinh tế tư nhân mà trong đó DNTN có vai trò chủ đạo đã đóng góp gần 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước, 45% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.

Tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) của khu vực này cũng tương đối ổn định. Mặc dù những năm gần đây, tốc độ tăng NSLĐ của cả nước liên tục có những biến động thì tốc độ tăng NSLĐ của khu vực kinh tế tư nhân trong đó chủ yếu là DNTN ổn định hơn so với các khu vực kinh tế nhà nước và FDI, xung quanh mức 4,8%-5,8% vào năm 2015, 2016.

Trong giai đoạn 2011-2016, trung bình mỗi năm, khu vực DNTN tạo hơn 500.000 việc làm, chiếm khoảng 62% tổng số việc làm trong toàn bộ khối doanh nghiệp. Thu nhập bình quân/lao động trong khu vực này cũng tăng dần theo các năm, từ 46 triệu đồng/năm/lao động năm 2011 lên khoảng 76 triệu đồng/năm/lao động năm 2016.

Như vậy, ngay cả trong hoàn cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, với sức sáng tạo và nỗ lực, các DNTN vẫn bền bỉ hoạt động, duy trì tỷ lệ đóng góp cao vào sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia trong những năm qua.

Các DNTN còn là nhân tố chính của ngành công nghiệp hỗ trợ, mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, hình thành nên những cụm liên kết điện tử, hay dệt may, thủy sản. Qua đó, tạo công văn việc làm và hiệu quả chung cho nền kinh tế, quyết định đến sự tăng trưởng GDP bền vững, tăng thu nhập người lao động.

Vẫn thiếu những doanh nghiệp “đầu tàu” đủ mạnh

Cùng với việc đưa ra những thành tựu của khu vực DNTN, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong phát triển của khu vực này.

Đa số các DNTN có quy mô nhỏ và vừa (99% DNTN là DNNVV), trong đó số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm đa số (trên 90%) trong tỷ trọng doanh nghiệp ở cả ba nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp xây dựng và thương mại, dịch vụ.

Mặc dù chiếm ưu thế về số lượng (chiếm hơn 96% tổng số doanh nghiệp) nhưng tổng tài sản cố định và đầu tư dài hạn của khu vực DNTN chỉ chiếm khoảng 40% tổng số tài sản cố định và đầu tư dài hạn của toàn bộ khối doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sự liên kết của các DNTN Việt Nam còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.

Các liên kết trong mô hình tập đoàn còn khá đơn giản, chưa triển khai được các hình thức liên kết “mềm” khác thông qua thỏa thuận, hợp tác sử dụng thương hiệu, dịch vụ, kết quả nghiên cứu đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ chung trong tập đoàn theo nguyên tắc thị trường.

Lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân mới chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như dịch vụ, bất động sản… Vì vậy, DNTN Việt Nam thiếu vắng một lực lượng doanh nghiệp “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Để Phát triển khu vực DNTN hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, báo cáo đã đề ra một số giải pháp phát triển DNTN bền vững như sau:

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước về phát triển DNTN;

- Đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV;

- Hỗ trợ nâng cao NSLĐ trong doanh nghiệp;

- Tăng cường liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các cụm, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế;

- Thúc đẩy khởi nghiệp, chú trọng khởi nghiệp sáng tạo trong một số ngành có lợi thế và tiềm năng;

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị;

- Giảm chi phí đối với hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Đẩy mạnh cải cách và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thực chất và hiệu quả để tạo cơ hội phát triển cho kinh tế tư nhân;

- Phát triển thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh;

- Tăng cường vai trò của hiệp hội doanh nghiệp trong nâng cao nhận thức và hỗ trợ DNTN phát triển bền vững./.