Cụ thể, theo người đứng đầu VCCI, cùng tính chất là rà soát, nhưng lại được thực hiện trong tâm thế chủ động, quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, từ Chính phủ đến các bộ.

Toàn cảnh Hội thảo

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, trung bình mỗi năm, các cơ quan Nhà nước Trung ương ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trong đó, có từ 10-20 luật, khoảng 200 nghị định và quyết định của Thủ tướng, còn lại là thông tư của các bộ và cơ quan ngang bộ.

Mỗi văn bản lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, chính quyền trung ương có thể đưa ra hàng chục nghìn quy định có tác động đến các doanh nghiệp.

Đến tháng 6/2018, rất nhiều phương án (khoảng 11 bộ) đã được đưa ra với kết quả dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa đều trên 50% tổng số điều kiện kinh doanh - phù hợp với mục tiêu của Chính phủ đặt ra từ đầu năm.

Điển hình như Bộ Giao thông vận tải. Về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường bộ, tổng số điều kiện là 127, đề xuất bỏ 80 điều kiện, sửa 7 điều kiện, đạt tỷ lệ 68,5%; Điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, tổng số điều kiện là 78, đề xuất bỏ 47 điều kiện, sửa đổi 11 điều kiện, đạt tỷ lệ 74,36%...

Thay mặt nhóm nghiên cứu của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn phấn khởi phát biểu: "Có thể coi sáu tháng đầu năm 2018 là giai đoạn chứng kiến những bước đầu tiên của việc "biến lời nói thành hành động".

Biểu hiện ra bên ngoài của “các hành động” hiện thực hóa quyết tâm cải cách thể chế trong 6 tháng đầu năm 2018 là rất phong phú. Theo ông Tuấn, đó có thể là những hành động “tấn công” trực diện vào những rào cản đối với các hoạt động của doanh nghiệp (các điều kiện kinh doanh), đối với các sản phẩm cụ thể mà doanh nghiệp làm ra (các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa), hay đối với hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp (quyền tự chủ, tự do kinh doanh).

Đó có thể là những hành động hướng tới việc giảm bớt gánh nặng quản lý hành chính Nhà nước dưới hình thức cải cách thủ tục hành chính hay cải cách quy trình quản lý quy hoạch ngành, vùng, địa bàn… Đó cũng có thể là hành động nhằm thúc đẩy cạnh tranh công bằng, đáng tin cậy và được bảo vệ bởi công lý thông qua việc minh bạch hóa các bản án của Tòa án trong các vụ tranh chấp liên quan tới hoạt động kinh doanh.

Có lẽ minh chứng rõ ràng nhất cho việc “biến lời nói thành hành động” là một loạt những quy định về điều kiện kinh doanh đã được dự thảo từ năm 2017 đến nay đã, đang và sẽ được ban hành.

Đặc biệt, ông Tuấn vui mừng chia sẻ về những điểm tiến bộ của các nghị định mới về điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Công Thương. Cụ thể là Nghị định quy định về kinh doanh khí .

Cụ thể, Nghị định 87/2018 thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí mới đã được ban hành, gỡ bỏ quy định về điều kiện kinh doanh về số lượng bình gas và dung tích bồn chứa.

Đây là điểm mà doanh nghiệp “kêu” và có khả năng “bức tử” doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực này từ trong trứng nước.

Ông Tuấn cho hay, cũng tại hội trường này đã rất nhiều doanh nghiệp kêu cứu về Nghị định 19/2016, Bởi, Điều 9 của nghị định này lại yêu cầu các thương nhân phân phối khí đốt phải sở hữu ít nhất 100.000 bình gas và bồn chứa 300m3 thì mới được kinh doanh. Ngay khi vừa được ban hành, nghị định đã vấp phải những ý kiến không thuận từ một số doanh nghiệp gas nhỏ tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo các doanh nghiệp, không chỉ gây lãng phí, quy định này còn có thể khiến nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh bình thường bỗng dưng phá sản, hoặc phải bán lại tài sản của mình cho những doanh nghiệp lớn hơn với giá chỉ bằng một phần nhỏ vốn đã đầu tư.

Dù rất nhiều tuyên bố, lời hứa đã được đưa ra từ cuối năm 2016, nhưng phải mất đến 27 tháng, ngày 15/6/2018, Nghị định mới đã bãi bỏ điều này.

Cùng với điều kiện đầu tư kinh doanh thì các quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hoá và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng là trọng tâm cải cách pháp luật kinh doanh của Chính phủ phù hợp với kinh tế thị trường. Đây cũng có thể coi là một dạng “giấy phép con”, áp dụng cho việc “gia nhập thị trường” của hàng hóa.

Đầu năm 2018, một số quy định có tác động lớn đến các doanh nghiệp liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá đã được ban hành, mang đến làn gió cải cách đáng khích lệ cho lĩnh vực vốn rất bất cập, nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức này.

Cụ thể là Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm. Đây thực sự là một "cuộc cách mạng" và mang đến những lợi ích to lớn cho hoạt động kinh doanh đối với các doanh nghiệp thực phẩm vốn đang rất vất vả với các thủ tục, quy trình về an toàn thực phẩm. Hay Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá...

Theo các nguyên tắc thị trường, một khi doanh nghiệp đã đáp ứng các điều kiện để gia nhập thị trường, doanh nghiệp sẽ được tự do cạnh tranh miễn là không vi phạm những giới hạn cạnh tranh (trong Luật cạnh tranh).

"Mặc dù vậy, vì nhiều lý do, trong đó có thể có những thói quen quản lý từ thời bao cấp, vẫn còn không ít các quy định can thiệp trực tiếp vào cạnh tranh, vào hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp mà không nhằm bảo vệ một lợi ích công cộng đáng kể, cụ thể nào. Ở khía cạnh này, 6 tháng đầu năm 2018 đã chứng kiến cả những diễn tiến tích cực và tiêu cực trong nỗ lực giảm sự can thiệp của Nhà nước vào quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh của doanh nghiệp", ông Tuấn cho biết.

Dẫn ví dụ về Đề xuất xây dựng Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối, ông Tuấn cho biết, trong đề nghị này, Bộ Công Thương đã đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, không chỉ bao gồm các chợ mà mở rộng ra toàn bộ hệ thống phân phối (với nhiều loại hình như siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện lợi…).

Tuy nhiên, hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định lại không giải trình được những vấn đề bất cập của hệ thống phân phối hiện tại hay những lợi ích mà người dân và doanh nghiệp có thể được hưởng sau khi có Nghị định.

Điều đáng nói ở hồ sơ đề xuất chính sách là đã đưa ra một số đề xuất chính sách can thiệp quá sâu vào hoạt động cạnh tranh thuộc quyền tự quyết của các doanh nghiệp trong khi chưa được đánh giá tác động một cách đầy đủ. Ví dụ (1) quy định doanh nghiệp phải trình phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề, địa điểm kinh doanh tại chợ để Nhà nước phê duyệt; (2) doanh nghiệp phải bố trí khu vực riêng cho người kinh doanh không thường xuyên tại chợ; (3) quy định về thời gian mở cửa tối thiểu của các siêu thị; (4) quy định giới hạn đợt bán hàng giảm giá, quy định ràng buộc về giảm giá tại siêu thị…

"Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực siêu thị của Việt Nam đã lên tiếng thể hiện sự lo lắng trước các quy định can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp như vậy. Ngày 27/6/2018, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu dừng việc xây dựng dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối", ông Tuấn vui mừng chia sẻ thông tin.

Bên cạnh đó, báo cáo Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của VCCI cũng chỉ rõ những cải cách trong hệ thống toà án giúp hỗ trợ môi trường kinh doanh, xây dựng thể chế kinh tế thị trường cũng đã được thực hiện trong thời gian qua.

"Đây là những vấn đề ít được dư luận và các doanh nghiệp chú ý, nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tháo gỡ những nút thắt của nền kinh tế', ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ.

Bắt đầu bằng việc công bố án lệ thường kỳ từ năm 2016, đến việc cho phép gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử đầu năm 2017, toà án có thể coi là cơ quan có những cải cách đặc biệt có ý nghĩa trong thời gian qua.

Đáng chú ý, năm 2017, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của toà án. Đây là bước tiến rất lớn giúp tăng cường công khai minh bạch trong hệ thống tư pháp. Theo đánh giá của nhiều luật sư thường xuyên giúp các doanh nghiệp giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại thì án lệ và các bản án được công bố giúp cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam trở nên an toàn và dễ tiên liệu hơn.

Cùng với việc tăng cường công khai thông tin, một số văn bản pháp luật mới trong lĩnh vực tư pháp cũng đã tháo gỡ những vướng mắc về mặt thủ tục khi toà án giải quyết những tranh chấp kinh doanh thương mại../.