Do khó khăn về nguồn nhân lực nên hầu hết các địa phương chưa thể tổ chức riêng bộ phận hậu kiểm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp

5 khó khăn, vướng mắc

Có thể nói Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao với nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thời gian, chi phí khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực.

Tuy nhiên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, ên cạnh những kết quả đã đạt được việc triển khai công tác đăng ký kinh doanh hiện nay đang gặp phải một số khó khăn, hạn chế.

Một là, khối lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tăng nhanh (năm 2017, khối lượng hồ sơ tăng 25% so với năm 2016 và tăng gấp 3 lần so với năm 2014) trong số lượng cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh tại các địa phương gần như không thay đổi.

Điều đó đã tạo áp lực công việc lớn cho các Phòng Đăng ký kinh doanh, cho nên một số cán bộ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đồng thời, các cán bộ đăng ký kinh doanh tại địa phương liên tục được luân chuyển, trong khi Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cũng như các quy trình chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên được nâng cấp, cập nhật để đáp ứng yêu cầu về cải thiện môi trường kinh doanh.

Hai là, vướng mắc trong vấn đề phối hợp của Trung tâm hành chính công và cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh đối với thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng đăng ký kinh doanh là: “Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.

Hiện nay, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn đang trực tiếp nhận hồ sơ và tách riêng khỏi mô hình tiếp nhận một cửa. Tuy nhiên, tại một số địa phương, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận thông qua bộ phận một cửa tại Trung tâm hành chính công nhưng cán bộ tiếp nhận không phải cán bộ đăng ký kinh doanh.

Điều này sẽ khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian hơn cho việc thực hiện thủ tục hành chính do việc luân chuyển hồ sơ giấy thường theo giờ và lượt định kỳ trong ngày, cán bộ tiếp nhận hồ sơ không có chuyên môn, nghiệp vụ nên không thể hướng dẫn, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp dẫn đến việc doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để thực hiện thủ tục hành chính.

Ba là, khung khổ pháp lý về quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập chưa được hoàn thiện. Do khó khăn về nguồn nhân lực nên hầu hết các địa phương chưa thể tổ chức riêng bộ phận hậu kiểm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; Ý thức tuân thủ và chấp hành quy định pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp tham gia vào thị trường còn kém.

Cùng với sự tăng trưởng nhanh về số lượng doanh nghiệp qua từng năm thì các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp cũng tăng lên, cả về số lượng và mức độ vi phạm. Điều này khiến cho việc phối hợp và xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn;

Bốn là, đa số thiết bị của Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã đến giai đoạn phải thay thế, nâng cấp, nếu xảy ra sự cố sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tính ổn định, an toàn của Hệ thống;

Năm là, hiện nay, một số địa phương vẫn còn tình trạng Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo UBND có các chỉ đạo hành chính can thiệp sâu vào công tác cấp đăng ký kinh doanh của các Phòng Đăng ký kinh doanh mặc dù Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp đã có các quy định cụ thể về nguyên tắc, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng như quy định cấm các Bộ, ngành, địa phương không được ban hành các quy định về đăng ký doanh nghiệp áp dụng riêng cho ngành hoặc địa phương mình.

Những giải pháp cần thực hiện

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác đăng ký kinh doanh trong thời gian tới, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đưa ra một số kiến nghị, giải pháp như sau:

Thứ nhất, tại Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã được công nhận là một trong sáu cơ sở dữ liệu thuộc Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Theo kinh nghiệm thực tiễn từ các nước phát triển trên thế giới, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp cũng là một bộ phận quan trọng trong lõi dữ liệu kết nối giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Do vậy, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cần được Chính phủ quan tâm đúng mức hơn về tầm nhìn chiến lược cũng như việc bố trí nguồn lực để được duy trì, phát triển và thực hiện tốt vai trò nói trên.

Thứ hai, song song với việc cải cách mạnh mẽ hệ thống pháp luật về doanh nghiệp theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, thì để đảm bảo trật tự và tính an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong công tác hậu kiểm. Tuy nhiên, hiện nay, việc bố trí nguồn lực hậu kiểm tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, lực lượng cán bộ phục vụ cho công tác hậu kiểm còn rất “mỏng”, chủ yếu là thực hiện kiêm nhiệm với các nhiệm vụ khác; đồng thời, nhiều cơ quan chức năng vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về quy định pháp lý cũng như trách nhiệm của mình trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập. Do vậy, các địa phương cần quan tâm bổ sung nguồn lực để nâng cao hiệu quả đối với hoạt động hậu kiểm nói riêng và công tác đăng ký kinh doanh nói chung.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật đối với hộ kinh doanh, xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh trên phạm vi toàn quốc.

Thứ tư, cần có quy định cụ thể về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại các địa phương, cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh có thể trực tiếp nhận hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc tại bộ phận một cửa nhằm giảm sự phiền hà không cần thiết cho người dân cũng như các cơ quan nhà nước. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trực tiếp sử dụng Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để tác nghiệp và có thể kết xuất báo cáo từ hệ thống này gửi Trung tâm hành chính công tại địa phương./.