Trong thời gian qua, có ý kiến cho rằng sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc quản lý hoạt động của các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, đồng bộ, dẫn đến việc các doanh nghiệp vi phạm pháp luật không được xử lý kịp thời, tạo ra sự bức xúc và hoang mang trong dư luận xã hội. Trong đó, trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc cấp giấy phép và quản lý hoạt động của doanh nghiệp là chủ yếu.

Đây là sự nhầm lẫn mà không ít người gặp phải, bởi nhiều người cho rằng ,Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy phép kinh doanh là một và được cấp khi thành lập một doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, thực chất không phải như vậy.

Về bản chất, việc đăng ký doanh nghiệp hoàn toàn khác với việc cấp phép

Đăng ký doanh nghiệp hoàn toàn khác với việc cấp phép

Theo lý giải của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thì về bản chất, việc đăng ký doanh nghiệp hoàn toàn khác với việc cấp phép, tức là cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền cho phép, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng không phải là giấy phép kinh doanh (Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp).

Trên cơ sở tôn trọng quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ ghi nhận việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Nếu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp là chủ thể chi phối mọi hành vi của doanh nghiệp, do đó khi doanh nghiệp vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

Nguyên tắc này đã trở thành nguyên tắc cốt lõi trong đăng ký doanh nghiệp, được quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2014: Cơ quan đăng ký kinh doanh “chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm của doanh nghiệp xảy ra trước và sau đăng ký doanh nghiệp”.

Ngoài ra, việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp là nhằm tạo điều kiện cho số đông các doanh nghiệp có nhu cầu làm ăn, kinh doanh chân chính, muốn tạo công ăn việc làm và thu nhập chính đáng cho người lao động.

“Việc các doanh nghiệp lợi dụng cơ chế, chính sách để có hành vi vi phạm pháp luật chỉ là thiểu số, không thể vì thế mà đưa ra các quy định thắt chặt thủ tục gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh”, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh khẳng định.

DN vi phạm ở lĩnh vực nào thì cơ quan chuyên ngành đó có trách nhiệm xử lý

Dẫn Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh cho biết, các văn bản này đã phân định rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, với sự tham gia của tất cả các cơ quan có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trách nhiệm giám sát của cả cộng đồng chứ không chỉ riêng trách nhiệm của một cơ quan cụ thể.

Vì doanh nghiệp thường kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực nên doanh nghiệp vi phạm ở lĩnh vực nào thì cơ quan chuyên ngành đó có trách nhiệm theo dõi, giám sát, xử lý vi phạm.

Nghị định 96/2015/NĐ-CP cũng đã giao nhiệm vụ cho UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm trong việc xây dựng Hệ thống quản lý rủi ro và giám sát hoạt động doanh nghiệp tại địa phương.

Tuy nhiên, việc triển khai công tác “hậu kiểm” hiện nay còn bộc lộ một số bất cập sau:

Thứ nhất, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả.

Thứ hai, ý thức tuân thủ và chấp hành quy định pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp tham gia vào thị trường còn kém.

Thứ ba, cùng với sự tăng trưởng nhanh về số lượng doanh nghiệp qua từng năm thì các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp cũng tăng lên, cả về số lượng và mức độ vi phạm. Điều này khiến cho việc phối hợp và xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, để đảm bảo công tác hậu kiểm được thực hiện có hiệu quả,các cơ quan quản lý nhà nước cần nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác hậu kiểm của mình, phối hợp tốt với các cơ quan khác như: cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, công an… Theo đó, các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành chức năng có nhiệm vụ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể; xây dựng quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình để doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Đồng thời, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương trong việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, pháp luật về hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về doanh nghiệp; Báo cáo Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ những vấn đề phát sinh trong thực tế triển khai công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp ở địa phương để kịp thời ban hành chính sách, biện pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, một biện pháp hết sức quan trọng là huy động sự tham gia của xã hội và của các chủ thể khác trong quản lý, giám sát doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, trong đó có vai trò giám sát của bên thứ ba bao gồm: các chủ nợ và bạn hàng, hiệp hội người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, hội nghề nghiệp và công luận.../.