Đó là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn "Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa" do Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 7/8/2018.

Nhiều kênh nguồn vốn để DNNVV tiếp cận

Phát biểu tại diễn đàn, TS.Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam là một trong 29 quốc gia tiếp cận tín dụng tốt nhất trong tổng số 190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, cùng với đó, năm 2017, DNNVV cũng chiếm 21% tổng dư nợ tín dụng.

Tính đến nửa đầu năm 2018, Việt Nam có khoảng 670.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có đến 98%-99% là DNNVV, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.


TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn

Để tạo điều kiện cho DNNVV hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV phát triển, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, để tạo hành lang pháp lý trong việc xây dựng các chương trình hỗ trợ vốn của DNNVV, ngày 16/05/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Bên cạnh đó, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động trợ giúp phát triển DNNVV, ngày 16/06/2017, Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018 với 3 loại quỹ: Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Và để triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã ban hành các nghị định, như: Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, ngoài các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn, hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng đã chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng là nhóm DNNVV, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Nhờ đó, trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với DNNVV luôn có sự tăng trưởng đều qua các năm.

“Trong 6 tháng đầu năm 2018, tín dụng đối với DNNVV đã đạt được kết quả nhất định. Đến 30/6/2018, dư nợ tín dụng đối với DNNVV toàn quốc đạt 1.402.890 tỷ đồng, tăng 4,48% so với cuối năm 2017, chiếm khoảng 21% dư nợ toàn nền kinh tế”, ông Hùng thông tin.

Trao đổi thêm về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, các kênh tiếp cận vốn của DNNVV thực tế không chỉ có nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Cụ thể, bên cạnh nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh, chiết khấu, thuê tài chính, DNVVN còn có thể tiếp cận vốn từ ngân sách Nhà nước thông qua trợ cấp, bảo lãnh, bảo hiểm, ưu đãi, giảm thuế…; nguồn vốn nước ngoài; huy động từ thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu); đối tác (trả chậm, tín dụng thương mại…) và bản thân vốn tự có, vốn góp.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho hay, tỷ lệ tiếp cận vốn DNNVV ở nước ta thực chất không hề thấp, ở mức khoảng 22% tổng dư nợ so với bình quân khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 18,7%, như vậy tỷ lệ của chúng ta còn cao hơn.

Bên cạnh đó, trong vòng 5 năm trở lại đây, lãi suất đã giảm quá nửa từ 17% xuống còn 7,4%, lãi suất cho vay thực bình quân Việt Nam ở mức trung bình 5 năm vừa qua vào khoảng mức 5%. Lãi suất cho vay thực đang ở mức trung bình.

Vì sao vẫn khó?

Theo TS. Lộc, dù phía cơ quan chức năng lẫn ngân hàng đã cởi mở hơn, nhưng 60% các doanh nghiệp hiện nay vẫn không thể tiếp cận, hoặc sử dụng được vốn ngân hàng.

Người đứng đầu VCCI cũng cho hay, tín dụng DNNVV tại Việt Nam hiện chỉ chiếm 21% trên tổng số dư nợ tín dụng. Trong khi đó, khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác cũng rất hạn chế. Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được điều kiện để huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Hơn nữa, thị trường chứng khoán đã và đang trồi sụt thất thường, thanh khoản thấp, nên việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu rất khó khăn.

Chủ tịch VCCI cho rằng, trách nhiệm hiện nay thuộc về cả 3 nhà: Nhà nước (bao gồm: các bộ, ban, ngành), nhà băng (ngân hàng, các quỹ hỗ trợ) và chính các nhà kinh doanh là chủ các doanh nghiệp. Cụ thể:

Về phía Nhà nước, vẫn còn nhiều chính sách “rào cản, không kích thích sáng tạo trong kinh doanh”.

Về phía nhà băng, các chính sách tín dụng chưa thực sự bình đẳng dành cho DNNVV. Phần lớn các nhà băng hiện nay vẫn chỉ ưu tiên các khoản tín dụng lớn dành cho các doanh nghiệp. Thêm vào đó, hình thức cho vay phổ biến vẫn là cho vay thế chấp, dựa trên tài sản đảm bảo. Nhưng thực tế, nền kinh tế số, khởi nghiệp, hay đầu tư vào nông nghiệp không có nhiều tài sản để vay thế chấp.

Về phía doanh nghiệp, sự minh bạch trong quản trị cũng luôn là điểm yếu với rất nhiều doanh nghiệp. Sự thiếu minh bạch khó tạo niềm tin, mà tín dụng chính là niềm tin, cộng thêm thiếu tài sản thế chấp và dự án kinh doanh thiếu khả thi cũng là nguyên nhân khiến tổ chức tín dụng “nói không” với DNNVV.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, mặc dù tín dụng đối với DNNVV trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua tiếp nhận thông tin, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy việc cho vay DNNVV vẫn còn gặp phải 5 khó khăn, vướng mắc chính, đó là:

Thứ nhất, xuất phát từ những khó khăn chung của thị trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của các DNNVV, hiệu quả cho vay của các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, hạn chế xuất phát từ chính bản thân DNNVV, như: quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác, thiếu hoặc không đủ giấy tờ về tài sản bảo đảm; DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ.

Thứ ba, chưa có sự triển khai đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương; một số tổ chức tín dụng còn thiếu kinh nghiệm trong thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mới, còn nặng về tài sản đảm bảo cho khoản vay.

Thứ tư, việc duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn vốn vay ngân hàng, tạo ra áp lực cho hệ thống tổ chức tín dụng, trong khi tổ chức tín dụng không có đủ thông tin về doanh nghiệp, không kiểm soát được dòng tiền nên dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay các DNNVV.

Thứ năm, chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả trong trợ giúp DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Cần làm gì để tháo gỡ “nút thắt”?

Trong bối cảnh hiện nay phần lớn các DNNVV đang thiếu tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn ngân hàng, thì cần thiết phải tạo điều kiện và mở ra các kênh huy động vốn khác cho doanh nghiệp.

Tại diễn đàn TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Chính phủ, bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, hiệp hội liên quan triển khai hiệu quả, đồng bộ Luật hỗ trợ DNNVV và các chính sách hỗ trợ đã ban hành; Đẩy mạnh hoạt động của Quỹ bảo lãnh DNNVV phối hợp hơn giữa quỹ, tổ chức tín dụng, hiệp hội, chính quyền địa phương và Quỹ phát triển DNNVV; Cân nhắc về cơ chế trần lãi suất cho vay DNNVV; Xây dựng hệ thống thông tin thị trường, sản phẩm, đối tác trợ giúp DNNV: phát triển hệ thống thông tin doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, nhất là thủ tục thuế, hải quan, cấp phép, phá sản doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng, logistics, hỗ trợ tiếp cận CMCN 4.0; Phát triển cân bằng thị trường tài chính nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu, tài chính vi mô, quỹ đầu tư…; Tăng cường vai trò Hiệp hội DNNVV thúc đẩy gắn kết với các hiệp hội DNNVV địa phương nhất là trong cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo và kết nối; Tăng cường hợp tác quốc tế (ADB, JICA, WB) trong phát triển, hỗ trợ DNNVV.

Đối với các định chế tài chính cần thiết kế các sản phẩm, quy trình tín dụng đặc thù, phù hợp hơn đối với DNNVV; phát triển hình thức cấp tín dụng theo chuỗi cung ứng, hợp tác với doanh nghiệp lớn để phối hợp tài trợ cho các DNNVV; nâng cao hiệu quả hợp tác, phối hợp với các quỹ, nhất là Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ phát triển DNNVV… hiệp hội để chia sẻ thông tin, kết nối doanh nghiệp.

Hơn nữa, theo TS. Cấn Văn Lực, đối với các DNNVV cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính, thiện chí hợp tác, phối hợp với tổ chức tín dụng trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Chủ động tăng hiểu biết về tài chính - tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ DNNVV; DNNVV tăng cường liên kết (ngang và dọc) cùng chia sẻ khó khăn, cơ hội, chủ động quyết liệt tham gia chuỗi cung ứng nhất là liên kết doanh nghiệp FDI.

Bổ sung thêm về giải pháp tiếp cận vốn cho DNNVV, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng.

Bên cạnh đó, “khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó, có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DNNVV và các sản phẩm mới, như: các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, các sản phẩm phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro”, ông Hùng cho biết.

Cũng tại diễn đàn, TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng khẳng định, để cải thiện việc tiếp cận nguồn vốn của DNNVV, nâng cao tỷ trọng dư nợ cho vay của khu vực này, đòi hỏi cả hai chủ thể cần nỗ lực nhiều hơn. Cụ thể, với doanh nghiệp, cần xoá bỏ suy nghĩ trông chờ vào các cơ quan chức năng.

“Doanh nghiệp cần minh bạch hoá thông tin và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực quản trị, có kế hoạch kinh doanh tốt để việc tiếp cận nguồn vốn được dễ dàng hơn”, bà Hiền nói.

Còn đối với các ngân hàng, bà Hiền cho rằng, cần nỗ lực trong phát triển sản phẩm phù hợp, cải thiện phương thức chấm điểm tín dụng, có các gói tín dụng phù hợp cho từng nhóm đối tượng.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Nhà nước cần cải cách mạnh mẽ hơn về khuôn khổ chính sách và pháp luật, tạo điều kiện cho vay trong thời đại 4.0, thúc đẩy khởi nghiệp. Đồng thời, có chính sách thúc đẩy tương tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức tài chính.

Các nhà băng, cần nỗ lực nhiều hơn trong việc đưa ra phương thức cho vay mới, những gói cho vay hướng đầu tư mạnh cho khởi nghiệp, cho nông nghiệp căn cứ vào ý tưởng và phương án kinh doanh. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tài chính, các công ty bảo hiểm cần tương tác, bọc lót trong hướng tới hỗ trợ DNNVV.

Còn về phía các doanh nghiệp, DNNVV cần minh bạch trong thời buổi hội nhập 4.0, minh bạch là quan trọng nhất. Đồng thời, phải nâng cao, củng cố nền tảng quản trị./.