Theo đó, Thông tư bổ sung nhiều hướng dẫn liên quan đến việc đầu tư, quản lý, sử dụng và chuyển nhượng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, cụ thể như:

(i) - Các trường hợp phải ghi tăng vốn nhà nước và điều chỉnh lại vốn điều lệ trên giấy chứng nhận.

(ii)- Các trường hợp phải ghi giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp và thủ tục. Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động thực hiện điều chỉnh giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

- Đối với doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giảm vốn điều lệ: Cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ tình hình thực tế hoạt động của doanh nghiệp, sự cần thiết phải giảm quy mô hoạt động của doanh nghiệp, nguyên tắc xác định vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP để xác định vốn điều lệ giảm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý giá trị vốn điều lệ giảm. Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xử lý giá trị vốn điều lệ giảm, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định điều chỉnh giảm vốn điều lệ cho doanh nghiệp.

- Trường hợp điều chỉnh giảm vốn điều lệ mà phát sinh phần chênh lệch vốn đầu tư của chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ điều chỉnh giảm thì xử lý như sau: Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm thông báo và yêu cầu doanh nghiệp nộp phần chênh lệch này về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ.

- Doanh nghiệp nhà nước hạch toán giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu trên cơ sở vốn điều lệ đã được xác định lại.

Các trường hợp điều chỉnh giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động nêu trên, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các thủ tục thay đổi và công bố thông tin về vốn điều lệ trong giấy đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

(iii)- Thủ tục thay đổi phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên.

(iv)- Thủ tục chuyển nhượng quyền mua cổ phần/ vốn góp tại các doanh nghiệp không thuộc ngành, lĩnh vực cần tiếp tục đầu tư thêm vốn nhà nước.

(v)- Yêu cầu khi lập hồ sơ và công bố thông tin chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

(vi)- Xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn nhà nước đối với quyền sử dụng đất thuê, quyền sở hữu trí tuệ.

(vii)- Thủ tục chuyển nhượng vốn đầu tư của nhà nước trong hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng vốn đầu tư tham gia trong hợp đồng BCC theo quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây: Cấp có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn căn cứ vào nội dung cụ thể của hợp đồng BCC, trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước được phép chuyển nhượng vốn để thực hiện thoái vốn thì quyết định việc áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn phù hợp theo một trong hai trường hợp dưới đây:

Trường hợp chỉ được phép chuyển nhượng vốn cho các thành viên tham gia hợp đồng BCC thì áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.

Trường hợp không có quy định ràng buộc chuyển nhượng vốn cho thành viên tham gia hợp đồng BCC thì áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần chưa niêm yết quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.

(viii)- Thủ tục chuyển nhượng dự án đang đầu tư, xây dựng do doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư.

(ix)- Phân phối lợi nhuận đối với doanh nghiệp nhà nước./.