Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam khẳng định, chặng đường 10 năm qua với 1 tỷ sản phẩm được sản xuất tại riêng các nhà máy ở Việt Nam có ý nghĩa rất lớn đối với Samsung.

Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT)

Chặng đường 10 năm tạo kỳ tích

Ngày 25/3/2008 là cột mốc đặc biệt với Samsung, bởi đó là ngày mà dự án nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên tại Bắc Ninh – SEV, nhận giấy chứng nhận đầu tư. Tháng 4/2008, nhà máy chính thức được khởi công xây dựng.

Ngay từ năm đầu tiên đi vào hoạt động, năm 2009, SEV đạt công suất 1,5 triệu sản phẩm mỗi tháng. Chỉ đến cuối năm, nhà máy xuất khẩu được 245 triệu USD - một con số ít ai tưởng tượng được vào thời điểm ấy.

Ba năm sau, cuối 2012, Samsung tiếp tục nhận chứng nhận đầu tư cho dự án thứ hai trị giá 830 triệu USD. Dự án này sau đó sáp nhập với dự án thứ nhất, đặt viên gạch đầu tiên cho việc hình thành ra một “thành phố công nghệ cao” ở Bắc Ninh.

Tới tháng 6/2013, SEV lại tiếp tục tăng thêm vốn 1 tỷ USD, biến SEV thành Samsung Complex. Tổng vốn đầu tư đã lên tới 2,5 tỷ USD, gấp 4 lần ban đầu.

Đến tháng 10/2012, Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun Hee đã đến thăm Việt Nam. Chỉ vài tháng sau, Samsung có giấy chứng nhận đầu tư vào Thái Nguyên, với tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD. Để tới tháng 3/2013, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đã chính thức khởi công, bắt đầu hình thành khu tổ hợp công nghệ Samsung thứ hai ở Việt Nam.

Sau này, SEVT tiếp tục tăng vốn đầu tư thêm 3 tỷ USD. Ở cả Thái Nguyên và Bắc Ninh, dồn dập các dự án "tỷ đô" của Samsung được thực hiện, như Samsung Display với vốn đầu tư 6,5 tỷ USD hay có Samsung Electro Mechanics Việt Nam (SEMV) có trị giá 1,23 tỷ USD.

Đến 1/10/2014, Samsung chính thức có Tổ hợp công nghệ cao thứ ba tại Việt Nam, Samsung Electronics Ho Chi Minh Complex (SEHC). Dự án được trao chứng nhận đầu tư ngay trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với số vốn đầu tư ban đầu 1,4 tỷ USD và sau đó được nâng lên thành 2 tỷ USD.

Có thêm tổ hợp này, Samsung đã chính thức có 3 tổ hợp công nghệ cao ở Việt Nam và hành trình đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của Samsung dường như đã hoàn thành, không chỉ sản xuất thiết bị di động, mà còn cả đồ điện tử, thiết bị gia dụng.

Như vậy, sau 10 năm, khởi đầu với mức đầu tư 670 triệu USD, Samsung đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đã tăng gấp gần 26 lần lên tới trên 17,3 tỷ USD.

Samsung hiện có 3 tổ hợp công nghệ tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM, với bao gồm 8 nhà máy và một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong đó, SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất thiết bị di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu; SEHC (TP.HCM) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á, và SVMC là Trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á.

Và, dấu mốc hơn 1 tỷ sản phẩm công nghệ cao sản xuất tại Việt Nam

Tính đến tháng 6 năm 2018, Samsung đã có tổng cộng 1.057.433.000 sản phẩm thông minh được sản xuất tại Việt Nam.

Trong số hơn 1 tỷ thiết bị di động này, nhà máy Samsung Bắc Ninh sản xuất được hơn 625 triệu sản phẩm, còn Samsung Thái Nguyên sản xuất hơn 431 triệu sản phẩm. 1 tỷ thiết bị này bao gồm các sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng, thiết bị đeo thông minh (smartwatch) và các sản phẩm điện thoại cơ bản.

Chia sẻ về cột mốc 1 tỷ thiết bị di động sản xuất tại Việt Nam, ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết: “Mỗi năm, quy mô thị trường điện thoại di động trên thế giới dao động từ 1,4 đến 1,5 tỷ chiếc. Chính vì thế, chặng đường 10 năm qua với 1 tỷ sản phẩm được sản xuất tại riêng các nhà máy ở Việt Nam có ý nghĩa rất lớn đối với Samsung. Con số khổng lồ này là minh chứng rõ ràng nhất về quyết tâm của chúng tôi biến Việt Nam thành cứ địa sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới.”

Hiện nay, 50% thiết bị di động của Samsung cung cấp ra thị trường toàn cầu được sản xuất tại việt Nam, bao gồm tất cả các dòng sản phẩm mới nhất và cao cấp nhất. Những sản phẩm công nghệ cao “Made in Vietnam” từ hai nhà máy SEV và SEVT đã được xuât khẩu ra 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó tập trung lớn nhất tại các thị trường như Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Trung Đông.

Cùng với việc tăng quy mô đầu tư, những đóng góp của Samsung cho kinh tế - xã hội Việt Nam cũng không ngừng gia tăng. Năm 2008, số lượng nhân lực chỉ gần 600 người, nhưng nay, con số này đã là 110.000 người cho riêng hai nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Tính tổng cộng tất cả các nhà máy của Samsung tại Việt Nam, con số lên đến 160.000 người.

Năm 2017, Samsung đạt kim ngạch xuất khẩu 54,4 tỷ USD, đóng góp 25,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt hơn 32 tỷ USD, dự kiến cả năm 2018 kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 57 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2017./.