Đây là những thông tin do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại hội thảo “Kết quả thống kê đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và đề xuất hoàn thiện công tác thống kê đổi mới sáng tạo ở Việt Nam” tổ chức ngày hôm nay (28/8).

Hội thảo do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức

Tại hội thảo, ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Giám đốc Ban quản lý Tiểu dự án FIRST-NASATI cho biết, dự án FIRST-NASATI được Ngân hàng Thế giới (World Bank) hỗ trợ nhằm giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống thống kê đánh giá, đo lường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, Dự án cũng góp phần nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Dự án đã tiến hành điều tra thí điểm đổi mới sáng tạo trong nhóm các doanh nghiệp giai đoạn 2014-2016 thuộc ngành chế biến, chế tạo, bởi đây là ngành thường đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo, như: nghiên cứu R&D, đổi mới công nghệ... Cuộc điều tra được tiến hành từ tháng 8-12/2017.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện điều tra đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Kết quả điều tra thử nghiệm nhằm thu thập thông tin đánh giá, đo lường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp; đánh giá thực trạng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan quản lý để hoạch định chính sách, chiến lược định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong tổng số các phiếu điều tra thu về hợp lệ có gần 62% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, hơn 37% không có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Theo đó, cuộc điều tra đã thu được một số kết quả có giá trị về hiện trạng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo. Cụ thể: Trong gần 8.000 doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo được điều tra, thì có gần 62% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, hơn 37% không có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ít hợp tác, liên kết trong đổi mới sản phẩm (trong 85% doanh nghiệp thực hiện đổi mới sản phẩm, tỷ lệ doanh nghiệp hợp tác chỉ gần 14%). Bình quân chỉ có 17,2% doanh nghiệp hợp tác đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, nguồn tài chính cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp chủ yếu được huy động từ “vốn tự có” (khoảng 2/3 tổng đầu tư cho đổi mới công nghệ) và khoảng 1/3 từ “vốn vay tín dụng”.

Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ phía Nhà nước còn thấp. Tỷ lệ các doanh nghiệp được hưởng các chính sách về tín dụng hay chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ chỉ từ 10% đến 17%; Tỷ lệ các doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật hay thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ chỉ 3%-6%.

Đặc biệt, cuộc điều tra còn cho thấy, doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng nhận được nhiều hỗ trợ từ Nhà nước. Về vấn đề này, TS. Hồ Ngọc Luật, Tư vấn Ban quản lý Tiểu dự án FIRST-NASATI cho rằng, đây là một nghịch lý.

Trong khi Nhà nước, Chính phủ đang đưa ra nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì con số khảo sát thực tế cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được sự hỗ trợ rất thấp. Các chính sách hỗ trợ qua tín dụng, giảm thuế, trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ phát huy ở mức chưa cao; Hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn thấp.

TS. Hồ Ngọc Luật cho biết, có đến 40% doanh nghiệp nhỏ cho biết, họ ít biết hay không biết bắt đầu từ đâu, đến đầu mối nào để tiếp cận các hình thức hỗ trợ của Nhà nước hoặc do các quy trình xét duyệt quá phức tạp.

Đồng quan điểm trên, ông Đoàn Trần Nghiệp, Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho hay, đổi mới sáng tạo nói chung và công tác thống kê đổi mới sáng tạo nói riêng ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Việt Nam mới ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong những năm gần đây.

Mặt khác, theo ông Nghiệp, hầu hết doanh nghiệp tự tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo và đánh giá thấp các tổ chức nghiên cứu công lập, các cơ sở giáo dục đại học không hỗ trợ gì cho đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.

Do đó, ông Đoàn Trần Nghiệp cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống thống kê đánh giá, đo lường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo rất có ý nghĩa vào thời điểm hiện nay, khi các chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nước ta còn thiếu. Vì vậy, cần sớm được nghiên cứu, đưa vào ứng dụng mở rộng tại Việt Nam.

Từ đó, cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chính sách, chiến lược, định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế./.

FIRST là dự án hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

FISRT-NASATI là tiểu dự án hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.