Bộ Tài chính cho biết, DATC tiền thân là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp được thành lập theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 05/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Tài chính đang dự thảo một số đề xuất mới về chức năng và cơ chế hoạt động của DATC

Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu của DATC gồm: (i) Tiếp nhận và xử lý nợ, tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước; (ii) Tiếp nhận và xử lý nợ, tài sản theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ; (iii) Mua và xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng theo cơ chế thị trường…

Theo Bộ Tài chính cần thiết ban hành Nghị định cho DATC do thời gian vừa qua hoạt động của DATC đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc về cơ chế hoạt động, những thay đổi mới về tình hình thị trường mua, bán nợ cũng như các cơ chế chính sách so với tổ chức tương đồng về chức năng, nhiệm vụ của DATC như Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đặc biệt là Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Do vậy, việc ban hành Nghị định cho DATC là cần thiết để đảm bảo đúng mục tiêu khi thành lập là công cụ xử lý nợ để hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC gồm 5 chương, 40 điều.

Cụ thể: về chức năng nhiệm vụ (khoản 1 Điều 5): Dự thảo bổ sung chức năng là công cụ của Chính phủ tham gia “xử lý nợ xấu của các tổ chức kinh tế, tham gia hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức và có sự quản lý của Nhà nước” để phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về các hoạt động của DATC (Điều 6): Hiện nay, các hoạt động chính của DATC gồm: (1) Tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản; (2) Mua, bán, xử lý nợ và tài sản; (3) Tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua hoạt động mua, bán, xử lý nợ; (4) Quản lý, khai thác, xử lý tài sản đã mua và tiếp nhận; (5) Thực hiện các hoạt động đầu tư theo quy định đối với doanh nghiệp nhà nước; (6) Các hoạt động khác như: tư vấn xử lý nợ, tài sản, mua, bán, sáp nhập, tái cơ cấu doanh nghiệp; quản lý, xử lý khai thác tài sản đảm bảo khoản nợ, tài sản nhận gán nợ và tài sản đã mua; thẩm định giá, đấu giá; dịch vụ quản lý nợ và thu nợ trên cơ sở đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Nghị định cũng quy định bổ sung một số nội dung sau: Đối với hoạt động tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản: Bổ sung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6: DATC tiếp nhận nợ và tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ để phù hợp với quy định hiện nay về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập (Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và định hướng sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Bổ sung quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 6: DATC tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là các tài sản tồn đọng, các tài sản gắn với xử lý nợ để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý thu hồi cho Nhà nước.

Bên cạnh đó, đối với hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản: Tại điểm b khoản 2 Điều 6, đối với hoạt động mua nợ và tài sản theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Nghị định bổ sung nội dung đối tượng mua theo chỉ định là các dự án cần hỗ trợ xử lý nợ để tiếp tục đầu tư, khai thác theo chỉ định.

Một điểm mới khác, theo dự thảo, DATC cũng được bổ sung quyền được cung cấp tài chính hoặc bảo lãnh cho các doanh nghiệp được DATC tham gia tái cơ cấu.

Lý giải điều này, Bộ Tài chính cho rằng là cần thiết vì đối tượng DATC hỗ trợ là các doanh nghiệp (có vốn góp chi phối của DATC) khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh và xác định đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ tái cơ cấu, xử lý tài chính cho doanh nghiệp.

Việc thực hiện các nghiệp vụ trên phải đảm bảo gắn với phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn và phải hỗ trợ cho việc thu hồi nợ và vốn của DATC khi chuyển nhượng, đồng thời phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật./.