Ngày 18/09/2019, Báo Văn hóa phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh”.

Toàn cảnh hội thảo

Văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh là nền tảng của phát triển bền vững

Tại hội thảo, PGS. TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Doanh nghiệp khẳng định, văn hóa doanh nghiệp là một tài sản, động lực tạo nên sức mạnh cạnh tranh và nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng, của các vùng và quốc gia nói chung.

Theo PGS, TS. Đỗ Minh Cương, sự tiên phong và cách thức làm văn hóa doanh nghiệp thành công như các doanh nghiệp lớn tiêu biểu là FPT, Viettel, Vinamilk, Vietcombank, Vingroup, Thế giới di động... đã cho thấy đây chính là một nguồn lực, tài sản lớn và phương thức quản trị doanh nghiệp hiệu quả, được lòng dân, giúp họ không ngừng nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, phát triển bền vững và thực hiện tốt trách nhiệm với xã hội.

Dưới góc nhìn của một lãnh đạo doanh nghiệp, ông Phạm Đức Bình, CEO Công ty Cổ phần Công nghệ BNC Việt Nam cho rằng, trong doanh nghiệp hiện nay, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào thì xây dựng văn hóa doanh nghiệp đều là nhiệm vụ bắt buộc nếu muốn phát triển bền vững. Trong đó, sự tác động của thương hiệu tới văn hóa là vô cùng to lớn.

Ngoài việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh cũng là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp và được nhiều doanh nghiệp hiện nay quan tâm.

Theo PGS, TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Giảng viên trường Đại học Thương mại, Chủ tịch Hội đồng khoa học BCSI, tuân thủ đạo đức kinh doanh là tạo lòng tin, tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, làm cho khách hàng hài lòng hơn với sản phẩm của doanh nghiệp. Do đó, đạo đức kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp củng cố và gia tăng uy tín cho thương hiệu của doanh nghiệp.

Còn với cương vị là người đứng đầu một doanh nghiệp, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần TeamUp cho rằng, cùng với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì đạo đức kinh doanh là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững và thành công doanh nghiệp.

Theo ông Tuấn, kể cả những tập đoàn lớn, xuyên quốc gia, phát triển như vũ bão, nhưng nếu vướng phải các vấn đề liên quan đến chất lượng, đạo đức kinh doanh làm mất lòng tin của người tiêu dùng thì uy tín của thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng, doanh nghiệp có thể bị tẩy chay, ảnh hưởng đến sự sinh tồn của doanh nghiệp.

Do đó, “trong bất cứ hoàn cảnh nào doanh nghiệp cũng phải giữ được đạo đức pháp lý vì đó là vấn đề rất quan trọng. Bởi khi kinh doanh sẽ có những thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn, vượt qua được khó khăn, giữ vững đạo đức kinh doanh mới là yếu tố khẳng định thương hiệu, uy tín, giúp người tiêu dùng phân định rõ giá trị của các doanh nghiệp khác nhau", ông Tuấn cho hay.

Doanh nghiệp cần làm gì để xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh?

Trong thời buổi thị trường thay đổi như vũ bão, việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp cũng có lúc bị coi nhẹ. Nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng đến kết quả kinh doanh trước mắt mà không quan tâm đến hình ảnh doanh nghiệp.

Theo ông Bình, nguyên nhân của thái độ coi nhẹ này, thường đến từ lãnh đạo doanh nghiệp. Vì giá trị của thương hiệu cũng như giá trị văn hoá khó đo lường, không ít nhà quản lý thường bỏ qua, hoặc ràng buộc nhân viên bằng các quy định và để “văn hoá” phát triển tự phát.

“Trên thực tế, trên 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ta nghĩa rằng, họ chưa có tiền nên chưa làm thương hiệu. Đó là cách nghĩa chưa đúng. Do đó, đừng nghĩ khi có tiền mới làm thương hiệu, bởi họ hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động hàng ngày của tổ chức, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm của họ, về sự độc đáo trong văn hóa của họ tới khách hàng và công chúng”, ông Bình nhận định.

Do đó, để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0, PGS, TS. Đỗ Minh Cương cho rằng, doanh nghiệp cần có thái độ, nhận thức đúng về văn hóa doanh nghiệp, coi đó là nguồn lực, cách thức để phát triển, là nền tảng cho sự đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới.

Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của lãnh đạo trong quản trị văn hóa doanh nghiệp, người lãnh đạo phải là tấm gương cho doanh nghiệp; chú trọng công tác quản trị chiến lược, quản trị sự thay đổi theo các nguyên tắc của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đất nước.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng văn hóa tại các doanh nghiệp Thụy Điển, ông Johan Alvin, Bí thư thứ Hai, Trưởng Ban thương mại Đại sứ quán Thủy Điển cho biết, yếu tố quyết định đến sự thành công của các doanh nghiệp Thụy Điển đó là sự cởi mở, công khai, minh bạch và sự đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, không câu nệ hình thức trong môi trường doanh nghiệp, tổ chức, đề cao sự đồng thuận, nhất trí cao của các thành viên; tôn trọng quyền cá nhân và khuyến khích sự bình đẳng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Thủy Điển luôn cố gắng tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống giữa mỗi cá nhân trong doanh nghiệp, môi trường thoải mái sẽ giúp mọi người có tư duy tốt, đưa ra những sáng tạo hiệu quả để phát triển công ty.

Bên cạnh đó, Thụy Điển rất chú trọng đầu tư cho hệ thống giáo dục bởi giáo dục đã tạo ra môi trường để nuôi dưỡng sự tò mò, sáng tạo của mỗi người. Đó là những kinh nghiệm trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Thụy Điển.

Ngoài ra, bà Phùng Thu Trang, Trưởng ban Truyền thông Công ty Cổ phẩn Viễn thông FPT cho biết, tiêu chí kinh doanh của FPT là lấy đạo đức, uy tín, chất lượng là yếu tố quan trọng sống còn. Dù ở vị trí nào nhân viên cũng phải học cách giao tiếp, ứng xử thận trọng với khách hàng, coi khách hàng là trung tâm để phục vụ với thái độ tận tâm nhất. Vì vậy, bà Trang muốn gửi thông điệp đến các doanh nghiệp đó là: “Nỗ lực ở trong tâm – Sự chân thành với khách hàng” sẽ mang đến thành công cho doanh nghiệp./.