Sáng nay, ngày 13/10/2018 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố Chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi họp báo.

Ngày 26/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp”. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010-2017.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì buổi họp báo

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, việc công bố bộ chỉ tiêu sẽ đưa ra được bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời giúp các địa phương thấy rõ mình đang nằm ở đâu trên bản đồ phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với các chỉ số đã được công bố, như: Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thì bộ chỉ số này giúp Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương biết được tình hình chung, trình độ phát triển của doanh nghiệp tại từng địa phương.

Trên cơ sở bộ số liệu này, các địa phương cần phân tích, đánh giá để rà soát lại thực trạng doanh nghiệp của địa phương mình. Từ đó, thấy rõ được tổng thể bức tranh, địa phương mình như thế nào, kể cả những vùng đầu tàu động lực, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, khu vực Đông Nam Bộ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… để có phương án phù hợp và đưa ra những giải pháp tiến tới mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 như nội dung Nghị quyết 35 của Chính phủ đề ra.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, khác với chỉ số PAPI và PCI, bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp không thể so sánh chỉ số phát triển giữa doanh nghiệp như ở tỉnh Bắc Kạn với doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, thay vào đó lấy tiêu chí của bộ chỉ số này để so sánh về sự phát triển của doanh nghiệp tỉnh đó so với năm trước hoặc so sánh giữa các tỉnh trong cùng một khu vực điều kiện phát triển hoặc đánh giá tổng lợi nhuận mà doanh nghiệp mang lại.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho biết thêm, từ năm 2019, bộ chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp sẽ được công bố hàng năm vào đúng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) cùng với Sách trắng về phát triển doanh nghiệp. Riêng năm 2018 là lần đầu tiên công bố nên Sách trắng về phát triển doanh nghiệp sẽ được ban hành chậm hơn, vào cuối quý IV/2018.

Chia sẻ thêm về bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trước đây chúng ta đã xây dựng chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp, nhưng chưa bao giờ đầy đủ, bài bản, toàn diện như lần này. Bộ chỉ tiêu này sẽ cho thấy toàn diện bức tranh về khu vực doanh nghiệp phát triển như thế nào.

“Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các cơ quan nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, để thấy rằng sức khỏe của các doanh nghiệp hiện nay như thế nào và sức khỏe của nền kinh tế ra sao. Các chính sách của Chính phủ đưa ra đã phù hợp ở đâu, trúng ở đâu, chưa trúng ở đâu, cần điều chỉnh gì”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Theo các chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 do Tổng cục Thống kê công bố, thì tính đến thời điểm ngày 01/07/2018, cả nước có 702.710 doanh nghiệp đang tồn tại thuộc diện quản lý thuế của Tổng cục Thuế. Trong đó, có 674.759 doanh nghiệp tồn tại có báo cáo tài chính hoặc không có báo cáo tài chính nhưng Tổng cục Thống kê điều tra được; 27.951 doanh nghiệp có trong danh sách quản lý thuế nhưng không có báo cáo tài chính và Tổng cục Thống kê không xác minh được.

Theo khu vực kinh tế, tính đến ngày 31/12/2017, cả nước có 390.765 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, tăng 10,3% so với cùng thời điểm năm 2016; khu vực công nghiệp và xây dựng có 164.189 doanh nghiệp, tăng 12,2%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 5.463 doanh nghiệp, tăng 22,8%.

Theo loại hình doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2017, cả nước có 2.486 doanh nghiệp nhà nước, giảm 6,6% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 541.753 doanh nghiệp, tăng 10,9% và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có 16.178 doanh nghiệp, tăng 15,5%.

Một số chỉ tiêu khác liên quan đến sức khỏe doanh nghiệp được công bố, như: tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016. Trong đó, khu vực doanh nghiệp dịch vụ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất (tăng 35%) và tăng trưởng thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chỉ tăng 2,9%).

Theo loại hình doanh nghiệp, khu vực FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các loại hình doanh nghiệp khác (đạt 384,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6%) và thấp nhất là doanh nghiệp nhà nước (đạt lợi nhuận trước thuế 200,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8%). Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra khoản lợi nhuận khiêm tốn với 291,6 nghìn tỷ đồng, nhưng lại đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước, tăng 22,2%. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp FDI có lợi nhuận trước thuế cao nhất nhưng chỉ đóng góp 265,7 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, tăng 6%.

Về thu nhập của người lao động, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp đạt 8,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,1% so với năm 2016.

Bên cạnh đó, địa phương có đóng góp nhiều nhất của khu vực doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước là TP. Hồ Chí Minh với gần 232.000 tỷ đồng, chiếm trên 24% cả nước; Hà Nội 197.000 tỷ đồng, chiếm gần 21%. Thu nhập bình quân tháng của một lao động năm 2017 của khu vực doanh nghiệp đạt 8,3 triệu đồng, tăng hơn 10% so với năm 2016.

Đánh giá về một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển doanh nghiệp năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, qua một số chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cho thấy, bức tranh toàn cảnh doanh nghiệp Việt Nam khá tích cực.

Hai chỉ tiêu định lượng quan trọng nhất về doanh nghiệp gồm lợi nhuận trước thuế đóng góp vào ngân sách và thu nhập của người lao động đều tăng lần lượt 23,1% và 10,1% so với năm 2016.

Tuy nhiên, “cũng có những vấn đề cần phân tích kỹ, tìm giải pháp phù hợp, như: vì sao khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đang hoạt động chỉ tăng 10,9%, thấp hơn mức tăng 15,5% của khu vực FDI; vì sao cùng điều điều kiện chính sách như nhau nhưng có địa phương tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp chậm…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.